Khó khăn kinh tế 2013 có mặt nghiêm trọng hơn trước
(VOV) -Những kết quả đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình với những kết quả, đánh giá, nhận định trong Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013.
Tuy nhiên, theo Ủy ban này, nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn có mặt còn nghiêm trọng hơn so với năm trước. Tăng trưởng kinh tế cả năm chỉ đạt 5,03% là mức tăng chưa hợp lý, thấp hơn số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là 5,2% và thấp hơn nhiều so với Nghị quyết của Quốc hội tăng từ 6-6,5%.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2012 dù tăng 7% so với năm trước nhưng chỉ bằng 28,5% GDP và thấp hơn so với Nghị quyết của Quốc hội là 33,5%, là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP thấp nhất trong những năm gần đây.
Tổng phương tiện thanh toán tăng 22,4% trong khi dư nợ tín dụng cả năm chỉ tăng 8,91%, nối tiếp đà sụt giảm mạnh dư nợ tín dụng từ tăng 31% năm 2010 xuống còn mức tăng 14,41% năm 2011.
Cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ
Cũng theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; tồn kho bất động sản và nợ xấu vẫn ở mức cao. Khu vực doanh nghiệp, động lực chính tạo ra của cải, vật chất, việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động năm 2012 là 54.261 doanh nghiệp, cao hơn năm 2011. Đến hết năm 2012 cả nước có tới 69% số doanh nghiệp báo lỗ. Riêng thành phố Hà Nội có khoảng 46.000 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 90.000 doanh nghiệp báo lỗ với số lỗ khoảng 47.000 tỷ đồng.
“Tình hình này đã tác động tiêu cực đến lao động, việc làm; số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng”- ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.
Xuất siêu chưa hẳn đã tốt
Xuất siêu là một tín hiệu tốt, tuy nhiên phân tích tình hình xuất, nhập khẩu cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc lớn, có ý kiến cho rằng việc nền kinh tế chuyển nhanh từ trạng thái nhập siêu lớn trong nhiều năm sang xuất siêu trong khi cơ cấu giữa các khu vực kinh tế, cơ cấu ngành hàng và cơ cấu thị trường chưa được cải thiện nhiều, điều đó chưa hẳn là dấu hiệu tích cực hoàn toàn và chưa mang tính bền vững mà phản ánh một phần thực trạng đáng lo ngại là năng lực hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang bị suy yếu, sản xuất vẫn chưa phục hồi.
Tổng thu NSNN tăng 2.690 tỷ đồng so với dự toán và tăng 1.690 tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, phần tăng thu chủ yếu từ dầu thô và viện trợ không hoàn lại. Thu nội địa và thu xuất, nhập khẩu giảm mạnh, nếu không có nguồn thu thêm từ hoạt động dầu khí thì ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chi năm 2012.
Có ý kiến cho rằng cần đánh giá thực chất bội chi ngân sách 4,8% GDP do đã ứng chi chưa bố trí được nguồn thu hồi 67.400 tỷ đồng hoặc phải chi nhưng chưa có nguồn như hoàn thuế VAT 33.500 tỷ đồng, cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng ưu đãi và phí quản lý đối với Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội 6.260 tỷ đồng. Như vậy, tuy một số chỉ tiêu của năm 2012 đạt Kế hoạch nhưng chưa thực chất và sẽ gây áp lực cho việc bố trí và điều hành ngân sách các năm sau.
Có ý kiến cho rằng lạm phát giảm mạnh trong năm 2012 nhưng thực tế có thể duy trì ở mức thấp hơn nếu thực hiện hợp lý lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công đối với y tế và giáo dục; khi duy trì lạm phát ở mức thấp, ổn định sẽ cho phép có thể hạ lãi suất ngân hàng nhanh hơn. Cũng có ý kiến cho rằng việc chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn so với kế hoạch đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Việc can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính trong một số thời điểm là cần thiết, trên thực tế đã phát huy tác dụng và mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên cần cân nhắc không để kéo dài, nhất là khi kinh tế vĩ mô đạt mức độ ổn định nhất định để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực.
Chưa thể chuyển được xu thế khó khăn
Đa số ý kiến cho rằng các nỗ lực thực hiện các giải pháp về chính sách và điều hành thời gian qua, những kết quả tích cực đạt được bước đầu vẫn chưa thể chuyển được xu thế khó khăn và đạt tăng trưởng kinh tế năm 2013 như mục tiêu đề ra; trong khi đó tái cơ cấu nền kinh tế chưa có những chuyển biến cụ thể, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cũng chưa có một chương trình toàn diện theo ngành, vùng, lĩnh vực và đơn vị.
Cụ thể, về tái cơ cấu đầu tư công, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mới chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ thì không thể bao hàm đầy đủ toàn diện các nội dung.
"Mặt khác, dự án Luật đầu tư công chậm trình Quốc hội so với dự kiến và chuyển trình Quốc hội từ Kỳ họp thứ 4 lên Kỳ họp thứ 6” – ông Giàu nhấn mạnh.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc triển khai thực hiện chưa có tiêu chí phân loại theo ngành nghề, lĩnh vực hoặc theo các nhóm để có giải pháp tái cấu trúc đối với từng nhóm mà thực hiện ở từng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính, chuyển giao nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các doanh nghiệp nhà nước.
Vì vậy, chưa tạo ra động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị, tính cạnh tranh, tính hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời chưa ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, nhất là vấn đề xử lý các khoản lỗ, dôi dư cán bộ, người lao động.
Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các ngân hàng đã triển khai có kết quả bước đầu tái cơ cấu theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng cần minh bạch thông tin đối với các ngân hàng, kể cả các ngân hàng thương mại hoạt động lành mạnh và các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém để minh chứng đã triển khai đúng hướng và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích nhằm tăng lòng tin thị trường và xã hội. Về việc xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, một số ý kiến đánh giá cao việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro giải quyết nợ xấu và đảm bảo mục tiêu an toàn tiền gửi cho người gửi tiền.
Tuy nhiên, số liệu nợ xấu thông tin ra công chúng có lúc thiếu nhất quán cũng tạo hoài nghi, tác động tâm lý xã hội, thị trường.
Từ tình hình trên Ủy ban Kinh tế cho rằng nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2013 là hết sức nặng nề; vấn đề đặt ra là phải xử lý hài hòa và đảm bảo thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong điều kiện nền kinh tế còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn./.