Khó phát hiện bán hàng đa cấp bất chính nếu không được tố cáo?
VOV.VN - Hoạt động bán hàng đa cấp bất chính thường rất khó phát hiện, cho nên vai trò tố giác của quần chúng và người tham gia mạng lưới rất quan trọng.
Thông báo kết quả buổi làm việc giữa Bộ Công Thương và Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Trung ương diễn ra chiều 6/4 về hoạt động bán hàng đa cấp, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hai bên đã đi đến thống nhất trong việc cùng phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Trần Quốc Khánh trao đổi với báo chí về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. |
Cho biết rõ hơn về điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chỉ ra rằng, trong lĩnh vực quản lý hoạt động thương mại nói chung, bán hàng đa cấp nói riêng, Ban chỉ đạo 389 sẽ tận dụng được thế mạnh của mình, đó là vì cơ quan này có chức năng chống buôn lậu hàng giả, chống gian lận thương mại. Trong kinh doanh bán hàng đa cấp sẽ kiểm tra và phát hiện được nguồn gốc xuất xứ hàng hoá thông qua việc đăng ký nhãn hiệu cũng như hoá đơn chứng từ…
“Việc phối hợp giữa hai cơ quan trong việc quản lý, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp sẽ tận dụng được những lợi thế của nhau. Ở một số vấn đề liên quan đến sản phẩm hàng hóa sẽ được Ban chỉ đạo 389 tiến hành kiểm tra, rà soát cụ thể. Trong khi đó, việc tuân thủ nghị định, hình thức trả hoa hồng như thế nào, có phù hợp với quy định hay không sẽ do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phụ trách”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Cho biết về thực tế hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khằng định rằng, bán hàng đa cấp là phương thức bán hàng đã được nhiều quốc gia thừa nhận. Việt Nam cũng đã cam kết cho phép hoạt động bán hàng đa cấp với những uy định pháp luật của tương đối hoàn chỉnh, tương đồng với mô hình quản lý bán hàng đa cấp của thế giới.
Theo quy định của Nghị định 42, Việt Nam cấm kinh doanh đa cấp theo hình thức kim tự tháp và buộc người muốn tham gia hoạt động này phải mua hàng hoá. tuy nhiên trong quá trình thực hiện vc cho phép. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động bán hàng đa cấp đã nảy sinh một số diễn biến phức tạp.
Cụ thể là các công ty được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp nhưng trong quá trình hoạt động đã vi phạm các điều khoản; có một số công ty mặc dù thực hiện bán hàng đa cấp nhưng đã không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Bộ Công Thương cấp. Đặc biệt nguy hiểm là nhiều công ty mang danh nghĩa bán hàng đa cấp nhưng không bán hàng, sử dụng phương thức đa cấp để huy động tài chính như MB24, tiền ảo Bicoin… là những hoạt động không được pháp luật cho phép.
Trên tinh thần đó, thời gian vừa qua sau khi phát hiện những biến tướng từ hoạt động này, Bộ Công Thương đã có những biện pháp tăng cường quản lý, kiểm tra, số tiền xử phạt lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều hoạt động giám sát, kiểm tra nhưng câu chuyện đáng tiếc như ở Liên Kết Việt vẫn xảy ra.
“Trong vụ việc của Liên Kết Việt có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng và vận hành khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, có thể quy định của pháp luật đã được vận hành đúng, nhưng ở đâu đó việc xây dựng khuôn khổ pháp lý vẫn còn có vấn đề, thậm chí chưa chắc đã vận hành đúng. Bộ Công Thương không bao giờ từ chối trách nhiệm của mình, Bộ đã phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm lừa đảo của Liên Kết Việt và mong muốn các tỉnh, thành cùng vào cuộc”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh bày tỏ.
Nêu rõ những khó khăn trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, sẽ không có một cơ quan quản lý nhà nước nào có thể đi theo theo dõi hoạt động của một doanh nghiệp trong 24/24 giờ. Trong khi hoạt động bán hàng đa cấp lại có đặc điểm riêng là hoạt động chào hàng thường diễn ra tại nhà riêng nên rất khó phát hiện. Do đó vai trò của quần chúng và nhất là người tham gia mạng lưới là quan trọng
“Tháng 10/2015 cơ quan chức năng đã kiểm tra hoạt động của Công ty Liên Kết Việt nhưng trước đó không nhận được bất kỳ khiếu nại nào của người dân. Người chào hàng có thể ngồi tại nhà riêng của khách hàng nhưng Sở Công Thương hay Bộ cũng không thể vào nhà riêng để lắng nghe và bắt quả tang hành vi sai phạm. Chỉ có người bị lôi kéo tham gia mới làm được điều này, khi không có thông tin từ người tham gia cung cấp, cơ quan chức năng sẽ rất khó có bằng chứng để xử lý doanh nghiệp, nhất là khi không có một ai lên tiếng sẽ càng khó khăn”, Thứ trưởng Khánh nói rõ.
Khuyến cáo với người dân trước cẩn trọng khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, người tham gia trước khi kí bất kì hợp đồng nào liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp cần dành thời gian đọc kĩ Nghị định 42.
“Hoạt động bán hàng đa cấp thường hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, mong muốn làm giàu nhanh. Khi phát hiện thấy có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn trả hoa hồng cao thì rất có khả năng đó là hình thức của công ty bán hàng đa cấp bất chính. Người tham gia nếu cảm thấy bị lừa đảo cần thông báo ngay với công an, Sở Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh để xử lý kịp thời”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến cáo./.