Khó xuất khẩu nông sản là cơ hội đẩy mạnh hệ thống phân phối Quốc gia
VOV.VN - Hệ thống phân phối Quốc gia được quan tâm, đầu tư sẽ chủ động ứng phó với những biến động của thị trường xuất khẩu cũng như khi dư thừa nguồn cung.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực, trong đó thương mại biên giới đang chịu ảnh hưởng lớn nhất khi nông sản xuất khẩu bị ùn ứ bởi chính sách biên mậu thay đổi do dịch bệnh gây ra.
Trong khi đó, những năm qua, hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân, nhất là xuất khẩu trái cây do được ưu đãi về thuế VAT khi nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn. Các chủ hàng nhiều khi còn ngần ngại nếu được đề nghị chuyển sang xuất khẩu chính ngạch bởi sẽ mất thêm chi phí, chưa kể phải đáp ứng các yêu cầu khác về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…
Thực trạng này khiến mỗi khi đứng trước những tình huống như thay đổi cơ chế chính sách, dịch bệnh… từ phía Trung Quốc là hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam chỉ còn cách chờ chợ biên giới được mở cửa trở lại. Việc thông thương bị ách tắc, trong khi thời gian thu hoạch nông sản lại không thể chậm trễ khiến hàng hóa nông sản rơi vào tình cảnh bị hư hỏng, mất giá gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân.
Kết nối tiêu thụ nông sản tại các hệ thống phân phối trong nước nếu làm tốt, sẽ giảm thiểu thiệt hại cho người sản xuất khi xuất khẩu gặp khó khăn. |
Những ngày qua, các cấp, các ngành, địa phương và các doanh nghiệp vẫn đang vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch và giảm thiệt hại do dịch gây ra. Trong đó, các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã và đang tham gia tích cực trong việc thu mua nông sản cho nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước...
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết đã thống nhất sẽ vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân.
"Đây là một hành động thiết thực của các doanh nghiệp dịch vụ logistics để ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ và toàn dân trong công tác phòng chống dịch. Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra", ông Hiệp cho biết.
Giải pháp cốt lõi
Đứng trước thực trạng việc tiêu thụ hàng hóa nông sản gặp nhiều khó khăn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trong các giao dịch hàng hóa nông sản tiến tới phải thông qua các sàn giao dịch độc lập, hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập một cách hiện đại đủ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. "Khi giao dịch hàng hóa được thông qua hợp đồng sẽ không bị ép cấp, ép giá gây thua thiệt cho người sản xuất. Trong trường hợp bất khả kháng, khi sản xuất ra hàng hóa nếu dư thừa hoặc đang chờ bán thì nhất thiết phải có những kho dự trữ lớn", ông Phú nói.
Đi đôi với sản xuất hàng hóa phát triển, nguồn cung ngày càng dồi dào, thậm chí có lúc dư thừa với số lượng lớn thì phải coi trọng hệ thống phân phối quốc gia bao gồm chợ, cửa hàng lẻ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn được phát triển theo quy hoạch chung của các địa phương và trên toàn quốc. "Hệ thống phân phối này cần phải có năng lực đủ lớn để làm tốt việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước một cách tự giác, thực hiện việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, kinh doanh không mang tính lợi nhuận đơn thuần", chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
Cũng theo ông Phú, ngoài sự nỗ lực chủ quan của các hộ sản xuất, các hợp tác xã và các doanh nghiệp đang được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến tiêu thụ hàng hóa nông sản, rất cần có sự hỗ trợ một cách hợp lý hiệu quả của nhà nước, các Bộ, ngành và các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn đang còn tồn tại như tiếp cận đất đai để phát triển sản xuất, chuỗi phân phối để sản xuất lớn hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, giao thông cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn, góp phần cho giao lưu hàng hóa nhanh, giảm bớt những chi phí của logistic và các chi phí khác cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần tạo điều kiện để hình thành và phát triển những tập đoàn lớn của người Việt có đủ sức dẫn dắt thị trường, làm chủ những sản phẩm của Việt Nam sản xuất trong mọi điều kiện thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
"Nhà nước cần coi trọng công tác nghiên cứu và phát triển hệ thống sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản một cách bền vững và hiệu quả. Hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu để không phụ thuộc nhiều vào 1 - 2 thị trường chính. Đặc biệt, nhà nước cần tổ chức kiểm soát tốt thị trường chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu trốn thuế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính", chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất./.
Xuất khẩu nông sản với 2 kịch bản ứng phó với dịch bệnh corona