Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài:

Khoảng lặng cần thiết

Năm 2009 và cả năm 2010, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không còn ồ ạt, thời kỳ này cần được xem như một khoảng lặng cần thiết để đánh giá lại những chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Còn nhớ câu chuyện cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt khoát từ chối dự án thép khổng lồ của Tập đoàn POSCO Hàn Quốc đầu tư vào Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa khi thấy nguy cơ đe dọa môi trường sinh thái biển. Còn bây giờ, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh chủ yếu do suy thoái kinh tế thế giới, và dự đoán trong năm 2010 này, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể sẽ không tăng nhiều. Tuy nhiên, có thể coi thời kỳ sụt giảm nguồn vốn này là một khoảng lặng cần thiết để đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhìn lại quãng thời gian 22 năm kể từ khi thực thi Luật Đầu tư nước ngoài 1987, có thể thấy những yếu tố quan trọng khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là môi trường chính trị, xã hội ổn định, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư ngày càng hoàn thiện, tiếp cận và dần phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết song phương, đa phương, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, chỉ trong 2 năm 2008 và 2009, vốn FDI đăng ký và tăng thêm khoảng 85,5 tỷ USD, vượt  mức 83,1 tỷ USD của cả 20 năm trước đó.

Hơn hai thập kỷ qua, những lợi ích thu được do thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thì đã rõ. Nhưng những hạn chế cũng đã dần bộc lộ. Biểu hiện rõ nhất là sự mất cân đối trong đầu tư ở các ngành nghề, vùng lãnh thổ. Mất cân đối trong đầu tư ngành nghề, như sự bùng nổ các siêu dự án thép trong thời gian qua mà chưa có sự chuẩn bị về nguồn nguyên vật liệu, năng lượng và hạ tầng giao thông vận tải, dự báo sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, phá vỡ quy hoạch ngành và đe dọa tới an ninh năng lượng.

Một hạn chế lớn nữa là việc chuyển giao công nghệ ở nhiều dự án đầu tư nước ngoài còn chưa hiệu quả, đó là chưa kể việc có dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, điển hình là trường hợp của liên doanh sửa chữa tàu biển HUYNDAI VINASHIN tại tỉnh Khánh Hòa, hay chuyện nhà máy VEDAN xả nước thải không qua xử lý đầu độc sông Thị Vải. Rồi nhiều liên doanh được lập ra để hưởng những ưu đãi về thuế, đất đai, thu hút vốn kiểu "mỡ nó rán nó" chứ vốn đầu tư nước ngoài đưa vào không đáng kể. Hàng loạt dự án sân golf chiếm dụng đất, thực chất là các dự án bất động sản trá hình...

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc không kiểm soát được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là do sự quyết tâm thu hút đầu tư bằng mọi giá của các địa phương. Thu hút đầu tư, mà bỏ qua hoặc làm cho có những khâu thẩm định quan trọng như đánh giá tác động môi trường, thiếu tính liên kết vùng nên khi dự án được cấp phép, đi vào hoạt động đã gây nhiều hệ lụy.

Năm 2009 và cả năm 2010 này, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không còn ồ ạt, thời kỳ này cần được xem như một khoảng lặng cần thiết để đánh giá lại những chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng đi trong thời gian tới để tiếp tục thu hút mạnh hơn nguồn vốn từ bên ngoài, nhưng có thể kiểm soát và nâng cao hiệu quả nhiều mặt của nguồn vốn này.

Dù rất mong muốn tăng dần nguồn vốn đầu tư nước ngoài như bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trên báo chí đầu năm 2010 khẳng định, kế hoạch ưu tiên của Chính phủ năm 2010 là cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính hiện thời, để tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, nhưng chúng ta vẫn kiên quyết nói không với những dự án công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm hoặc tác động xấu tới môi trường. Chúng ta còn nhớ câu chuyện cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dứt khoát từ chối dự án thép khổng lồ của Tập đoàn POSCO Hàn Quốc đầu tư vào Vịnh Vân Phong - Khánh Hòa khi thấy nguy cơ đe dọa môi trường sinh thái biển.

Xin dẫn lời Giáo sư Jomo Kwame Sundaram, Phó Tổng thư ký Cơ quan phát triển kinh tế - xã hội của Liên Hợp Quốc trong cuộc tọa đàm “Lý thuyết tăng trưởng và phát triển kinh tế” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hồi tháng 8/2009: “FDI có nhiều ưu điểm, lợi ích cho nước nhận đầu tư, ví dụ như chuyển giao công nghệ, tri thức, kỹ năng, tạo ra các mối liên kết hay tiếp cận thị trường. FDI có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển của mình nhưng bản thân FDI sẽ không phải là chìa khóa vàng đem lại sự phát triển. Cách thức sử dụng FDI như thế nào mới là quan trọng!”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên