Khóc, cười với ma trận đội lốt sâm quý, trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh
VOV.VN - Nhận thấy mối lợi lớn từ sâm Ngọc Linh, những năm gần đây tình trạng đội lốt sâm quý, trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh diễn ra khá phổ biến gây thiệt hại về tài chính và tiềm ẩn những nguy hiểm đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Với giá trị dược lý đỉnh cao, sâm Ngọc Linh có tác dụng tốt với sức khỏe và điều này đã được khẳng định bởi nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Tháng 11 vừa qua, tại thành phố Kon Tum, ông Dương Văn Trang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum trao tặng tỉnh Lai Châu 2.000 cây giống sâm Ngọc Linh. Đây là những cây giống 1 năm tuổi được Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum ươm chăm đảm bảo giống chuẩn. Sự kiện này đánh dấu cây sâm Ngọc Linh Kon Tum chính thức được trồng thử nghiệm trên đất Lai Châu.
Thế nhưng từ nhiều năm qua, đã có một “dòng sâm Ngọc Linh” trên thị trường chợ đen từ tỉnh Lai Châu âm thầm chảy về tỉnh Kon Tum, thậm chí xâm nhập cả vào vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei để đội lốt sâm quý lừa đảo người tiêu dùng và cả người trồng sâm. Gian thương bất chấp mọi thủ đoạn vì sâm Ngọc Linh tươi cả lá và củ có giá bán tới hơn 100 triệu đồng/kg.
Từng mua phải hạt sâm Lai Châu về ươm trồng, một người dân ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei cho biết, đến khi cây lớn đối chứng mới biết mình bị lừa. “Đến khi cây lớn mình mới phát hiện đó không phải là sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh tự nhiên nó khác, cái cuống của nó không phải cứng mà phải dẻo và mịn màng”.
Có hình dạng giống sâm Ngọc Linh, từ nhiều năm qua sâm Lai Châu được gian thương sử dụng để đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum lừa đảo người tiêu dùng. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh mà còn để lại hậu quả với cả những người tâm huyết trồng cây sâm Lai Châu. Nguyên nhân theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu, loại sâm mà gian thương sử dụng để đội lốt sâm Ngọc Linh và cả đội lốt sâm Lai Châu thực tế là được nhập lậu từ Trung Quốc với giá chỉ vài trăm nghìn đồng/kg, số lượng bao nhiêu cũng có:
“Khi sâm Trung Quốc tràn lan sẽ rất khó quản lý. Hiệp hội đã có nhiều ý kiến, các ngành liên quan cũng vào cuộc nhưng kiểm soát rất khó vì đường biên giới rộng, đối tượng vận chuyển liên tỉnh từ Lai Châu, Lào Cai rồi chuyển đi Hà Nội, Quảng Nam, Kon Tum,…khắp mọi nơi”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để xoá lai lịch loại sâm nhập lậu từ Trung Quốc, gian thương vùi sâm trên núi rồi quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, tạo niềm tin bán cho người tiêu dùng, hoặc thông đồng với gian thương ở vùng trồng sâm các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam tuồn sâm vào những tỉnh này. Đáng lo hơn, kết quả phân tích hàm lượng trong sâm củ do gian thương nhập lậu còn tồn dư nhiều hoá chất độc hại. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, sâm nhập lậu gian thương thường phải bán sau 1 - 2 năm vùi, vì sau thời gian này cây sâm hết dưỡng chất, cộng với không hợp thuỷ thổ sẽ tự chết.
“Tôi lo sợ tình trạng sâm nhập lậu khiến người tiêu dùng không phân biệt được thật và giả. Người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền quá lớn để mua sâm, nhưng không nhận về được sản phẩm chất lượng, tương ứng với số tiền bỏ ra nên rất đau xót”, một người tâm huyết với cây dược liệu ở tỉnh Kon Tum lo ngại với ma trận đội lốt sâm quý bày tỏ.
Cùng với đội lốt sâm quý Ngọc Linh lừa đảo người tiêu dùng, thời gian qua có không ít công ty nọ, tập đoàn kia còn ngang nhiên lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh lừa đảo cả nhà đầu tư. Điển hình tại tỉnh Kon Tum có Công ty CP Đầu tư sâm Việt Nam dù toàn trồng sâm Ngọc Linh ảo trên giấy vẫn mạnh miệng tuyên bố có vườn sâm Ngọc Linh 10 ha ở xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei. Công ty này cũng đã từng giới thiệu, chào bán núi sản phẩm được chế biến, triết xuất từ sâm Ngọc Linh. Hay như Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, địa chỉ tại số 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội lừa đảo nhà đầu tư vào các dự án trồng sâm Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Số tiền mà Tập đoàn này chiếm đoạt của các nhà đầu tư lên tới hơn 1.200 tỷ đồng…
Trong định hướng phát triển, cả tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Lai Châu đều xác định phát triển cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu thành ngành kinh tế mũi nhọn có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu của địa phương và mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. Bởi vậy, việc đồng tâm hiệp lực ngăn chặn triệt để tình trạng đội lốt, trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đang là việc mà các địa phương cần phải cấp bách thực hiện.
Cùng với ma trận đội lốt sâm quý, trục lợi thương hiệu sâm Ngọc Linh, gần đây dư luận mà đặc biệt là các nhà khoa học quan tâm đến việc nên xây dựng thương hiệu chung cho sâm Việt Nam hay làm riêng lẻ sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu. Vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều, vì lo ngại việc xây dựng thương hiệu chung cho sâm Việt Nam sẽ đánh đồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu hay sâm Langbiang. Thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nếu không xây dựng thương hiệu chung sâm Việt Nam sẽ khó cho sự phát triển của ngành sâm và hạn chế mong muốn vươn tầm quốc tế.