“Khóc dở, mếu dở” khi bất ngờ nhận "trát" phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh
VOV.VN - Chuyện doanh nhân bị cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp (DN) nợ thuế hay cá nhân “bỗng dưng nợ thuế” gần đây thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan thuế nên thông báo trước để tránh tình trạng người nộp thuế bị phạt tiền chậm nộp, cấm xuất cảnh.
Hàng loạt giám đốc doanh nghiệp bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế
Thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều giám đốc doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, Cục Thuế Quảng Ngãi đã đăng tải thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 28 người là giám đốc doanh nghiệp nợ thuế kéo dài. Có doanh nghiệp nợ hàng tỉ đồng, tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp chỉ nợ vài chục triệu đồng. Tính đến tháng 5, tỉnh Quảng Ngãi có 50 đơn vị nợ thuế kéo dài với số tiền hơn 481 tỉ đồng. Đứng đầu danh sách có công ty nợ thuế hơn 221 tỉ đồng.
Tại Đồng Nai, có 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế cũng bị cơ quan thuế gửi thông báo sang Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Theo cơ quan thuế, lý do tạm hoãn xuất cảnh các giám đốc đại diện pháp luật của doanh nghiệp nói trên là do đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Tháng 5/2024, Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có thông báo bằng văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an để tạm hoãn xuất cảnh đối với 5 doanh nghiệp nợ thuế. Được biết, số tiền các doanh nghiệp trên nợ thuế lên tới 60 tỉ đồng.
Hay mới đây, ngày 5/6, Cục Thuế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành quyết định số 5110 về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Ban Quản lý Dự án chuyên ngành dân dụng và công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do có hành vi nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là hơn 13,2 tỷ đồng.
Không chỉ số tiền nợ thuế lớn mà chỉ cần có nợ thuế vài trăm ngàn đồng nhưng doanh nghiệp "chây ì" không nộp thuế dù cơ quan thuế cưỡng chế cũng bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trong tháng 5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV, Cục Hải quan TP.HCM có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh, Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện doanh nghiệp nợ thuế từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý, có trường hợp của Chủ tịch kiêm Giám đốc một công ty trong lĩnh vực hóa chất, người này bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 997.000 đồng.
Trước đó, một giám đốc công ty khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa gồm các khoản phạt chậm nộp từ hơn năm trước đó.
Riêng trong tháng 5/2024, các Chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.
“Khóc dở, mếu dở” vì nợ thuế
Không chỉ doanh nghiệp nợ thuế, nhiều cá nhân phải tới khi nhận thông báo phạt mới biết nợ thuế. Chị T.H, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, sau khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2023, chị nhận được thông báo phải nộp phạt tiền chậm nộp thuế gần 10 triệu đồng. Chị chia sẻ, năm 2022, chị có 2 nguồn thu nhập từ 2 đơn vị khác nhau. Nhưng do sơ suất không kiểm tra đơn vị trả thu nhập đã nộp thuế hay chưa nên chị ủy quyền cho cơ quan công tác quyết toán thuế TNCN.
“Do sơ suất, tôi vẫn ủy quyền cho phòng Hành chính – kế toán của cơ quan đi thực hiện thủ tục quyết toán thuế TNCN như mọi năm và tôi cũng không kiểm tra lại. Khi cơ quan quyết toán thuế TNCN năm 2023, tôi mới biết bị nộp phạt tiền chậm nộp. Số tiền phạt rất lớn, bằng gần 1 tháng lương của tôi”, chị H. than thở.
Theo chị Nguyễn Phương Nga, kế toán của một doanh nghiệp tại Hà Nội, khi nhận ủy quyền quyết toán thuế TNCN năm 2023, nhiều người lao động nhận thông báo nộp phạt tiền chậm nộp của những năm trước đó.
“Đa số người lao động đều rất ngạc nhiên vì trước đó không nhận thông báo nộp phạt của cơ quan thuế. Sau khi trao đổi cụ thể từng khoản chậm nộp, nộp bổ sung, người lao động đều phải “cắn răng” nộp đầy đủ nhưng có những khoản từ cách đây mấy năm, họ cũng không nhớ đấy là khoản gì cụ thể, giờ bị phạt do nộp chậm mới biết mình đã nợ thuế từ lâu. Rất mong cơ quan thuế thông báo trước để tránh tình trạng người nộp thuế (NNT) bị phạt tiền chậm nộp”, chị Nga chia sẻ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng từng kể lại chuyện của một doanh nhân, là đại diện pháp luật của một doanh nghiệp đã giải thể nhiều năm trước, trong chuyến đi chơi cùng gia đình ở Campuchia gần đây, khi đến cửa khẩu Mộc Bài, vị doanh nhân mới tá hỏa mình bị cấm xuất cảnh do công ty còn nợ mấy trăm nghìn tiền thuế. Chuyến đi chơi của gia đình cũng vì thế phải hủy bỏ, mọi kế hoạch đều lỡ dở.
"Nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có những chuyến đi châu Âu phải chi trả hàng trăm triệu hay những kế hoạch làm ăn lớn bị lỡ do không biết mình bị cấm xuất cảnh. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?", luật sư Trương Thanh Đức nói.
Chưa thuận lợi cho người nộp thuế
Tại họp báo tại Bộ Tài chính mới đây, trả lời về việc nhiều cá nhân bị nợ thuế TNCN nhưng không biết, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cá nhân có từ 2 nguồn thu nhập trở lên phải tự quyết toán thuế hàng năm. Theo ông Minh, người nộp thuế có thu nhập từ 2 nguồn trở lên phải tự quyết toán và đây là trách nhiệm của người nộp thuế.
“Trường hợp, cá nhân không nắm được khoản nợ thuế do thay đổi địa chỉ, không thông báo cập nhật cho cơ quan thuế. Vì vậy, cá nhân có thể không nhận được e-mail, thư thông báo nợ thuế. Ngành thuế hỗ trợ người nộp thuế tra cứu khoản thuế thu nhập cá nhân trong các năm trên ứng dụng Etax”, ông Đặng Ngọc Minh cho biết.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế, NNT có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành Thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử VOV, nhiều người cho biết, hệ thống tra cứu nợ thuế chưa thực sự thuận lợi.
Chị V.C.T, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ, sau khi thấy nhiều người “bỗng dưng” phát hiện bị nợ thuế, chị cũng tải app Etax về điện thoại để tra cứu xem mình có bị nợ thuế không, tuy nhiên, sau khi đăng nhập thành công thì chị không thể tra cứu được thông tin quyết toán thuế TNCN của mình ở tất cả các năm. Sau đó, chị gọi điện lên tổng đài hỗ trợ của Tổng cục Thuế thì phát hiện ra chị có tới 2 mã số thuế, 1 mã số thuế theo chứng minh thư nhân dân cũ và 1 mã số thuế theo căn cước công dân.
“Tôi gọi lên tổng đài hỗ trợ thuế, sau 1 hồi họ tra thông tin thì thật bất ngờ, tôi có tới 2 mã số thuế. Trong khi căn cước công dân của tôi đã định danh ở mức 2, số chứng minh thư cũ đã hợp nhất với căn cước công dân hiện tại nhưng không hiểu sao bên Thuế lại không hợp nhất mã số thuế cho tôi mà tự nhiên lại “đẻ” thêm cho tôi 1 mã số thuế khác. Nhân viên tổng đài nói tôi phải liên hệ với cơ quan quản lý thuế hiện tại để hủy đi 1 mã số thuế nhưng tôi thấy thủ tục lằng nhằng nên vẫn chưa hủy được mã số thuế còn lại. Đây rõ ràng không phải lỗi của tôi mà tự nhiên tôi lại phải mất thời gian vì một lỗi không phải do mình”, chị V.C.T bức xúc.
Tương tự, anh Nguyễn H.L., ở quận Hoàn Kiếm cũng bày tỏ bức xúc khi tra cứu nợ thuế trên ứng dụng Etax. Anh L. cho biết, hàng năm anh đã ủy quyền cho bộ phận kế toán ở cơ quan làm quyết toán thuế, các khoản thu nhập phát sinh cũng đã chủ động khấu trừ 10% thuế, tuy nhiên, khi tra cứu mới phát hiện có những năm anh nộp thừa 3-4 triệu đồng tiền thuế, nhưng có năm anh nợ thuế, đặc biệt năm 2017, anh bị nợ thuế tới hơn 5 triệu đồng.
“Tôi cũng không hiểu phần nợ này là do khoản nào vì hàng năm tôi đã quyết toán thuế. Từ 2017 tới nay là 7 năm, tôi cũng không thể nhớ rõ từng khoản thu nữa. Trong khi từ trước tới nay, tôi hoàn toàn không hề biết gì về khoản nợ thuế này và cũng chưa bao giờ nhận được bất kỳ một thông báo nợ thuế nào từ cơ quan thuế”, anh Nguyễn H.L cho hay.
Anh Nguyễn H.L đề nghị, hàng năm, cơ quan thuế cần có thông báo nợ thuế để người dân biết mình đang nợ thuế để kịp thời rà soát và hoàn thành nghĩa vụ thuế của mình.
“Cơ quan thuế không nên đẩy hết trách nhiệm về phía người dân như hiện nay. Như bảo hiểm xã hội nếu nợ đóng bảo hiểm xã hội họ đều có thông báo tới các cá nhân, vì sao cơ quan thuế lại không làm được điều này mà chỉ nói người dân phải có trách nhiệm tự quyết toán thuế?”, anh Nguyễn H.L. nêu ý kiến.
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cơ quan thuế thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, khi người nộp thuế gặp vướng mắc, cơ quan thuế cần lắng nghe, tiếp thu, sửa đổi để việc nộp thuế thuận lợi hơn nữa.
“Công nghệ thông tin hiện được áp dụng rộng rãi, người dân thuận lợi thực hiện thủ tục nộp thuế sẽ góp phần minh bạch khoản thuế; đồng thời, hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ thực thi và người dân, góp phần chống tiêu cực”, ông Doanh đánh giá.
Bài viết cùng loạt bài:
Bài 1: “Khóc dở, mếu dở” khi bất ngờ nhận ‘trát’ phạt nợ thuế, cấm xuất cảnh