Gặp người chế tác cây tre “ngoại giao” khi Tổng Bí thư tiếp ông Tập Cận Bình
VOV.VN - Với quyết tâm biến gốc tre thành tác phẩm bonsai nghệ thuật độc đáo tác phẩm "Lưỡng long chầu nhật" của anh Nguyễn Sỹ Luân đã được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tình yêu mãnh liệt với cây tre
Với niềm đam mê mãnh liệt và tâm huyết với cây tre Việt, anh Nguyễn Sỹ Luân đã “sáng tác” những phôi tre từ những vật tưởng trừng như bỏ đi, đến trở thành cây cảnh bonsai nghệ thuật độc đáo và mang lại giá trị cao.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VOV trong những ngày hối hả bận rộn cuối năm, anh Nguyễn Sỹ Luân - Chủ HTX Vườn Chum ở thôn Bảo An, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) cho biết, gia đình anh có truyền thống với nghề làm gốm, chum, trồng cây cảnh tại xã Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh).
Cách đây hơn 6 năm, anh Luân bén duyên với tre bonsai để thỏa đam mê và tận dụng những kinh nghiệm trong chăm sóc cây cảnh. Nghĩ là làm, gom vốn liếng sau nhiều năm tích góp bằng nghề trồng cây cảnh và làm gốm sứ, anh Luân đầu tư vườn phôi tre với gần 1,5 tỷ đồng. Kết quả, may mắn không đến trong lần đầu tiên, cả vườn tre bị khô chết gần hết, khiến anh mất trắng.
Không chịu từ bỏ, anh Nguyễn Sỹ Luân quyết định vay mượn kinh phí từ những người thân trong gia đình để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, với hàng trăm, hàng nghìn phôi tre được anh tìm tòi, chắt lọc thu gom về nuôi dưỡng, tạo tác.
Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, anh đã tự mày mò, tìm công thức chăm sóc bonsai cho riêng mình. Hiện khu vườn rộng khoảng 2ha có hàng nghìn loại cây cảnh khác nhau như: Tùng, cúc, trúc, mai, lan… Tuy nhiên, tre bonsai vẫn là điểm nhấn và là tâm huyết nhất.
“Cây tre thường có dáng gốc tự nhiên như bonsai, thân vừa cứng lại vừa mềm, vì vậy, nếu có niềm đam mê và biết cách chăm sóc người chơi có thể dễ dàng biến chúng thành tác phẩm theo ý muốn của mình”- anh Luân nói.
Cũng theo anh Nguyễn Sỹ Luân cho biết thêm, Cây tre là biểu tượng cho sự kiên cường, dẻo dai và bất khuất. Tre, trúc thường được ví như 1 quân tử mạnh mẽ và kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Đặc biệt, qua những truyện cổ tích như Thánh Gióng, ta thấy ông cha ta từng dùng cây tre để chiến đấu với quân xâm lược. Đến chiến tranh hiện đại thì tre đóng vai trò rất quan trọng. Lũy tre làng chống giặc, là nguyên liệu tạo vũ khí như nỏ, cung,…. Tre đã giúp đẩy lui bao thế lực từng xâm lược nước ta.
“Hiện nay, trong kho tàng văn học Việt Nam, rất nhiều bài thơ, ca dao nói về tre hoặc nhắc đến tre. Tre thường ẩn dụ cho nhiều đức tính quan trọng của con người Việt”- anh Luân chia sẻ.
Vinh dự, tự hào
Vừa bán gốm, vừa chăm cây, bán được đồng nào lại tái đầu tư, mua phôi tre về dưỡng. Đến nay, các sản phẩm của anh được nhiều người biết đến. Theo anh Luân, cơ may lớn khi anh được nghệ nhân trà và sinh vật cảnh Nguyễn Cao Sơn (người đoạt giải Ấn tượng thế giới tại Cuộc thi Trà quốc tế lần thứ 5 tại Paris, Pháp- năm 2022) mời mang các tác phẩm tre bonsai tham gia triển lãm tại thành phố Hà Nội.
Tại sự kiện đặc biệt này, đã có 21 tác phẩm tre cảnh- tre nghệ thuật trong HTX Vườn Chum của anh Sỹ Luân được chọn trưng bày trong khán phòng của tiệc trà, trong đó, “tre ngoại giao” được nhiều người chú ý nhất là tác phẩm nghệ thuật “Lưỡng Long chầu nhật”.
Đặc biệt, tác phẩm tre bonsai "Lưỡng Long chầu nhật" của anh Luân sau đó, được lựa chọn để trang trí tại tiệc trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng trà.
Sở dĩ, sản phẩm của anh Luân được chọn, vì ngoài ý nghĩa về đường lối “ngoại giao cây tre” thì 21 cây được mang tới đều có kiểu dáng đẹp về tạo hình, kỳ công trong chăm dưỡng.
“Không gì có thể hạnh phúc hơn khi các sản phẩm của tôi được tuyển chọn trưng bày tại tiệc trà trong cuộc gặp gỡ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là phần thưởng vô cùng quý báu của tôi sau nhiều năm đam mê vô bờ bến với cây tre.”- anh Nguyễn Sỹ Luân tâm sự.
Ngay khi sự kiện kết thúc được khoảng 10 ngày đã có rất nhiều doanh nhân, người chơi cây nghệ thuật đã ngỏ ý mua lại "cây giao lưu cây". Nhưng hiện tôi vẫn giữ bonsai “Lưỡng Long chầu nhật” làm kỷ niệm và không bán đi với bất cứ giá nào.
Được biết, hiện nay nguồn thu chủ yếu của anh Luân từ vườn cây cảnh và bán các sản phẩm từ gốm truyền thống - Phù Lãng. Chia sẻ về định hướng phát triển lâu dài trong tương lai, anh có một mong muốn được các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện và sớm thành lập Hiệp hội Tre bonsai.
Từ đó, có một mái nhà chung để những nghệ nhân cây cảnh như anh cùng nhau chia sẻ đam mê, kinh nghiệm, gìn giữ bảo tồn nét đẹp tư nhiên từ cây tre truyền thống một cách chuyên nghiệp và đem lại giá trị kinh tế cho mọi người.