Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng:

Không ai biết chính xác nợ xấu ngân hàng đang ở mức nào

Các ngân hàng có thể dễ dàng giấu những khoản nợ xấu thông qua hệ thống các công ty con, cháu một cách dễ dàng và đơn giản.

Nợ xấu tăng cao

Vấn đề nổi cộm nhất trong hệ thống NHTM Việt Nam hiện nay là nợ xấu gia tăng và tính thanh khoản thấp nên NHNN cần có nguyên tắc về xử lý nợ xấu và tính thanh khoản cả trước, trong và sau khi cơ cấu lại hệ thống ngân hàng để thực sự lành mạnh hóa hệ thống khi kết thúc tiến trình cơ cấu lại.

TS Quách Mạnh Hào - Phó TGĐ CTCP Chứng khoán Thăng Long (TLS) - cho rằng, sự mất cân đối giữa kỳ hạn tiền gửi và cho vay đã và đang trở nên nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể, các khoản cho vay dài hạn chiếm tỷ trọng lớn hơn và có quy mô lớn hơn nhiều so với các khoản tiền gửi có cùng kỳ hạn. Điều này được giải thích là do nhiều ngân hàng trong một thời gian dài đã được sử dụng như là sân sau của những ông chủ ngân hàng, thực hiện việc cho vay vào những dự án đầu tư dài hạn mà trong đó chủ yếu là bất động sản dẫn tới sự mất cân đối về kỳ hạn.

Việc quản trị hoạt động kém đã dẫn tới mức độ rủi ro nợ xấu cao. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, nợ xấu và nợ dưới chuẩn của các ngân hàng Việt Nam ở mức 3.1% tổng dư nợ tại ngày 30/6/2011, tương đương gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên, những thông tin về các vụ vỡ nợ tín dụng tại nhiều địa phương diễn ra sau đó có thể sẽ là một lý do để tin rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể sẽ cao hơn thế.

Ngoài ra, theo ông Quách Mạnh Hào, hệ thống ngân hàng không có chiến lược phát triển và chiến lược sản phẩm cụ thể. Với hơn 100 ngân hàng và tổ chức tín dụng, dường như chúng ta không nhìn thấy bất cứ một sự khác biệt nào trong chiến lược phát triển và sản phẩm của các ngân hàng. Thực tế này dẫn tới hệ quả tất yếu sẽ là những “chiêu trò” cạnh tranh không dựa trên nguyên tắc thị trường, hoặc nếu không thì cũng sẽ dẫn tới sự lỏng lẻo trong nguyên tắc hoạt động.

TS Quách Mạnh Hào cho rằng: “Bước cần thiết đầu tiên của quá trình tái cấu trúc là việc tạo ra một hệ thống gương soi chuẩn cho hệ thống ngân hàng dựa trên thực tiễn Việt Nam, thay vì máy móc áp dụng những mẫu hình kinh nghiệm từ các quốc gia khác. “Nhiều ý kiến nói về việc sáp nhập ngân hàng như là một giải pháp, tôi cho rằng điều đó nên là hệ quả” – ông Hào khẳng định.

Thiếu tính minh bạch

Đến nay, thực sự không thể biết chính xác thực trạng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam. Bởi các ngân hàng có thể dễ dàng giấu những khoản nợ xấu thông qua hệ thống các công ty con, cháu một cách dễ dàng và đơn giản. Những vấn đề công bố thông tin và chuẩn hóa thông tin công bố chưa bao giờ là điểm được giới đầu tư hài lòng. 

“Mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình cổ phần hóa hơn 10 năm qua, nhưng gần như cơ chế quản trị không có sự thay đổi đáng kể nào” – ông Quách Mạnh Hào nhận xét.

Mức độ minh bạch của hệ thống ngân hàng còn thấp (ảnh minh họa)

Từ thực tế này, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright - cho rằng, quá trình tái cơ cấu cũng cần đảm bảo được tình trạng nợ xấu, thiếu thanh khoản không trở lại chứ không phải là áp dụng các biện pháp hành chính, các biện pháp tức thời để giảm triệu chứng mà không chữa đựơc căn nguyên, cốt lõi của vấn đề.

Do đó, rất cần thiết phải làm cho các ngân hàng thương mại hoạt động có tính minh bạch và tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế đang được các nước phát triển sử dụng. “Ngay cả khi sử dụng những chuẩn mực như thế này mà họ vẫn còn gặp vấn đề, huống hồ là chúng ta sử dụng một cách không đến nơi đến chốn” – ông Tự Anh nói.

Trong điều kiện hiện nay, quá trình cơ cấu lại rất cần sự can thiệp của NHNN với tư cách cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng chứ không thể phó mặc cho các NHTM tự sắp xếp.

TS Vũ Đình Ánh cho rằng: NHNN cần tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho tiến trình cơ cấu lại, đồng thời đóng vai trò tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này diễn ra suôn sẻ, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc cơ cấu lại. NHNN cũng cần có những hỗ trợ cần thiết để các NHTM vượt qua những trở ngại trong quá trình cơ cấu lại.

Ngoài ra, theo ông Vũ Đình Ánh, cần gắn quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính với quá trình cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công và với quá trình cơ cấu lại các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn tổng công ty.

Tiêu chí để xác định đối tượng phải cơ cấu lại không phải là qui mô ngân hàng “to” hay “nhỏ” mà là tiêu chí “mạnh” hay “yếu” thông qua đánh giá mức độ an toàn thể hiện ở mức độ rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và tỷ lệ nợ xấu.

Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc cho phép một số NHTM giới hạn phạm vi hoạt động phụ thuộc vào qui mô vốn tương tự như ngân hàng khu vực ở các nước phát triển dường như không thực tế ở Việt Nam (ít nhất là trong khuôn khổ đề án tái cơ cấu của NHNN lần này) khi mà qui định đến cuối năm 2011 tất cả các NHTM phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 3.000 tỷ VND (tương đương gần 150 triệu USD), nghĩa là có qui mô vốn đủ lớn để hoạt động trên phạm vi cả nước trong một thị trường tín dụng ngân hàng có qui mô chưa tới 150 tỷ USD như Việt Nam./.

Sở hữu chéo làm khó tái cơ cấu ngân hàng

TS.Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng bước đầu tiên cần thực hiện trong quá trình này là giải quyết tình trạng “sở hữu chéo” giữa ngân hàng và các tập đoàn. 

"Theo tôi, mục đích quan trọng của tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là tăng cường hiệu quả. Đặc trưng nhất của khu vực ngân hàng là sở hữu chồng chéo. Tức là, ngân hàng sở hữu tập đoàn, tập đòan sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu các công ty tài chính, các công ty tài chính lại sở hữu các tập đoàn. Các tập đoàn này bao gồm cả tập đoàn tư nhân và tập đoàn nhà nước. Hiện tượng này dẫn đến việc cho vay theo mối quan hệ, cho vay theo nhóm lợi ích và cách cho vay như vậy không đảm bảo hiệu quả. Trong khi đó, hiệu quả lại là chỉ tiêu hàng đầu của quá trình tái cơ cấu này.

Vì tính chất sở hữu chồng chéo này nên việc tái cơ cấu ngân hàng là không dễ dàng. Bởi vì, khi động bất kỳ đến cái “nút” nào sẽ rùng rùng ảnh hưởng đến cả hệ thống. Do đó, nếu không có quyết tâm về mặt chính sách và không có một quy tắc mạch lạc trong việc xác định loại ngân hàng tái cơ cấu, biện pháp tái cơ cấu, các biện pháp kiểm soát đặc biệt của nhà nước, sẽ khó thực hiện được tái cơ cấu ngân hàng. Nếu chúng ta không làm một cách bài bản, sẽ rất dễ có trường hợp chúng ta gom các ngân hàng yếu lại với nhau, tức là gom một số vấn đề nhỏ thành vấn đề lớn hơn. Như thế chưa chắc đã giải quyết được vấn đề"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên