Không có chuyện giao Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp
VOV.VN - Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về những thông tin
cho rằng, tỉnh “bán” Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp với thời gian 50 năm.
cho rằng, tỉnh “bán” Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp với thời gian 50 năm.
Vào ngày 22/7, Tập đoàn Bitexco (Công ty trách nhiệm hữu hạn kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh) vừa đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về "nhượng" quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trong 50 năm.
Theo đề xuất của Tập đoàn Bitexco, phí nhượng quyền ba năm đầu sẽ là 90 tỷ đồng, ba năm tiếp theo là 130 tỷ đồng, sau đó là 160 tỷ đồng. Việc chia lợi nhuận được chia lại cho tỉnh Quảng Ninh theo tỷ lệ sau 3 năm đầu là 20%, sau 6 năm là 30% và sau 10 năm là 50%.
Vịnh Hạ Long
Bitexco đưa ra viễn cảnh doanh thu du lịch từ Vịnh Hạ Long đạt ngưỡng 5 tỷ USD (so với hiện tại chỉ là 10 triệu USD). Tập đoàn sẽ đầu tư để tạo dựng một thương hiệu du lịch đẳng cấp quốc tế, đồng thời phát triển Vịnh Hạ Long thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Đông Á. Đổi lại, tập đoàn tư nhân này đề nghị tỉnh Quảng Ninh cho phép họ được quyền thu phí và quản lý du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long trong vòng 50 năm.
Trước những đề xuất của Bitexco đang được tỉnh Quảng Ninh xem xét, rất nhiều thông tin đã cho rằng UBND tỉnh Quảng Ninh đang “bán” đi Di sản Thiên nhiên Thế giới. Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: “Tỉnh Quảng Ninh mới nghe Tập đoàn Bitexco trình bày, báo cáo về đề án quản lý, thu phí Vịnh Hạ Long chứ chưa có một quyết định gì”.
Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
Ngoài ra, chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là thực hiện hình thức hợp tác công-tư, quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long sẽ áp dụng theo mô hình đầu tư công-quản lý tư nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long hiện nay.
Phí thăm quan vịnh Hạ Long và kinh doanh dịch vụ cùng với việc bảo tồn di sản sẽ được tách bạch. Theo đó việc bảo tồn di sản sẽ giao cho Ban quản lý Vnh Hạ Long, còn việc thu phí, dịch vụ kinh doanh sẽ để doanh nghiệp đấu thầu. Việc giao cho doanh nghiệp là quyền quản trị về thu phí và dịch vụ chứ không giao Vịnh Hạ Long cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Đọc nói: “Quan điểm chung của tỉnh là tách toàn bộ mảng quản lý nhà nước và phát huy bảo tồn di sản, nâng cao chất lượng Vịnh Hạ Long. Mảng dịch vụ và khai thác, sẽ có một đơn vị chuyên nghiệp để nâng cao việc khai thác Vịnh Hạ Long”.
Ngày 23/7, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã nhận được công văn đề nghị của Tập đoàn Tuần Châu về việc muốn tham gia đấu thầu quyền quản lý khai thác Vịnh Hạ Long./.