Không có lý do để phá giá đồng Việt Nam
(VOV) -Hiện tại, nguồn cung ngoại tệ của NHNN rất dồi dào, kinh tế vĩ mô đang ổn định.
Những ngày qua, một số ý kiến cho rằng NHNN nên tăng tỷ giá ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Đặc biệt, khi có tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV bị bắt trong ngày 21/2 thì thị trường ngoại tệ lại có biến động mạnh. Xung quanh nội dung này, PV VOV online có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Hoàng Ngân – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia.
Xuất khẩu cũng không được lợi gì nếu phá giá tiền VND-TS Trần Hoàng Ngân |
PV: Thưa ông, những ngày qua nhiều ý kiến cho rằng nên tăng tỷ giá ngoại tệ. Ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Những biến động của tỷ giá đều tác động đến kinh tế Việt Nam. Cho nên, kể từ khi ra đời Nghị quyết 11 (tháng 2/2011) tỷ giá đã bắt đầu đi vào kiểm soát tốt, ổn định, nhờ chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt. Theo đó, trong suốt năm 2011-2012 tỷ giá ổn định và góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy xuất khẩu.
Trong tình hình hiện nay, tỷ giá là giá cả ngoại tệ nên việc điều hành tỷ giá cũng phải chịu chi phối của quy luật cung – cầu. Việt Nam hiện nay lượng cung ngoại tệ rất lớn. Năm 2012, NHNN đã mua vào gần 20 tỷ USD, làm tăng dự trữ ngoại hối trên 30 tỷ USD (khoảng trên 14 tuần nhập khẩu) góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Do đó, trong tình hình hiện nay không có lý do gì phá giá đồng Việt Nam. Bởi vì từ trước đó, NHNN đã phải bỏ tiền đồng ra mua ngoại tệ để giữ tỷ giá, không cho đồng Việt Nam tăng giá.
PV: Hiện nay, có rất nhiều quan điểm đề nghị phá giá đồng tiền Việt Nam để kích thích xuất khẩu. Theo ông, điều này có cần thiết?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Theo tôi, trong năm 2012, đồng tiền vẫn ổn định nhưng xuất khẩu vẫn tăng 18% và tháng 1/2013 xuất khẩu vẫn đạt con số rất cao. Như vậy, rõ ràng xuất khẩu vẫn hưởng lợi, không có vấn đề gì. Cho nên việc phá giá tiền Việt Nam chỉ làm bất ổn vĩ mô, gia tăng lạm phát kéo theo điều chỉnh giá xăng, điện, giá các hàng hóa khác cũng điều chỉnh theo… Khi đó, nhà xuất khẩu cũng không được lợi gì nếu phá giá tiền VND.
Để hỗ trợ xuất khẩu, NHNN đã mua USD vào để giữ tỷ giá ổn định, hỗ trợ xuất khẩu. Trong tình hình hiện nay, với lượng cung ngoại tệ phong phú như vậy chúng ta không có lý do gì để phá giá tiền tệ. Việc phá giá đó có thể tác động xấu đến kinh tế vĩ mô và cũng không thể hỗ trợ được xuất khẩu. Vì phá giá làm lạm phát gia tăng thì đương nhiên việc xuất khẩu không có lợi ích gì. Sau 20 năm nhập siêu đến 2012 mình xuất siêu 780 triệu USD. Tháng 1/2013 lại xuất siêu. Cho nên, tôi ủng hộ quan điểm của NHNN là không nên phá giá đồng tiền Việt Nam ở thời điểm này. Lượng cung ngoại tệ đang nhiều mà phá giá thì phi lý.
PV: Vậy với những biến động tỷ giá như những ngày vừa rồi có đáng lo ngại hay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Thực sự, nền kinh tế nước ta bước đầu đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nhưng chưa thực sự vững chắc. Cho nên, yếu tố niềm tin rất dễ bị lay động khi có một cú hích từ bên ngoài, hoặc nếu có những phát biểu của chuyên gia hoặc có tin đồn nhảm thì lập tức tác động đến tỷ giá, thị trường tài chính - tiền tệ. Chính vì lẽ đó, yếu tố tâm lý, niềm tin phải được khôi phục trong một thời gian dài. Chúng ta mới chỉ ổn định được tỷ giá trong năm 2012 và yếu tố niềm tin vào tiền đồng Việt Nam cũng mới được lập trong một thời gian ngắn. Chúng ta cần phải kiên định bảo vệ giá trị đồng Việt Nam.
Những tin đồn thất thiệt những ngày qua có ảnh hưởng đến tỷ giá nhưng chỉ là tức thời. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cần phải kịp thời và nhanh chóng. Tôi thấy, NHNN ở thời điểm hiện nay ngoài việc khẳng định việc không phá giá đồng Việt Nam thì cần phải hành động. Cụ thể, với lượng dự trữ ngoại tệ mình đã mua vào nhiều như vậy thì thời điểm này có thể tăng cung ngoại tệ để can thiệp vào thị trường khi có nhu cầu.
PV: Tỷ giá ổn định trong một thời gian dài có mâu thuẫn gì với việc điều hành linh hoạt của NHNN hay không, thưa ông?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Việc để tỷ giá ổn định trong một thời gian như vừa rồi đã thể hiện sự linh hoạt. Nếu không có sự linh hoạt thì tỷ giá còn đi xuống, tức là người ta chỉ bán USD mà không ai mua thì giá USD xuống. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu. Do đó, NHNN phải mua USD để giải quyết 2 bài toán là giữ tỷ giá ổn định đồng thời hỗ trợ được xuất khẩu, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia.
PV: NHNN đưa ra thông điệp sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ, vậy ngoài việc tăng cung để thị trường không còn khan hiếm giả tạo, còn cần cách nào khác hiệu quả hơn?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Thứ nhất, NHNN cần thông qua kênh NHTM có thể hỗ trợ nguồn ngoại tệ cho các NHTM để đáp ứng các nhu cầu mua ngoại tệ chính đáng của các doanh nghiệp và cá nhân để góp phần ổn định tỷ giá. Bởi vì như thế nguồn ngoại tệ sẽ phong phú, góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, góp phần tăng cường thu hút đầu tư.
Thứ hai, người dân cần phải hết sức bình tĩnh, tránh những thông tin không chính thống và tránh hiện tượng đầu cơ ảo, tăng cầu ảo.
Với những chia sẻ từ NHNN, NHTM, có sự tuyên truyền của báo chí sẽ giúp người dân tin tưởng hơn, từ đó ổn định tỷ giá.
PV: Xin cảm ơn ông!