Không được sử dụng bội chi cho tiêu dùng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển chỉ nên để mức bội chi ngân sách trên 5% và việc bội chi này không thể kéo dài.
Trao đổi với báo chí, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta phải chi hợp lý nhất và không để lại những hệ lụy sau này khi mà khả năng hấp thụ của nền kinh tế chỉ có mức độ. Việc đầu tư mạnh cũng dễ dẫn đến khả năng lạm phát có thể quay trở lại.
PV: Vậy theo ông mức đề xuất bội chi 8% có hợp lý?
Ông Phùng Quốc Hiển: Để mức bội chi 8% như chúng tôi đánh giá là cao. Nếu tính cả nguồn trái phiếu Chính phủ và các khoản vay của địa phương cộng với mức bội chi mà Chính phủ đề xuất thì lượng tiền thâm hụt là rất lớn. Vì vậy chúng ta cần phải kìm chế bằng mọi cách.
Trước hết đề nghị Chính phủ giảm bội chi xuống còn 7% và dần dần phải giảm xuống. Cũng phải khẳng định bội chi ngân sách ở mức trên 5% chỉ là cho tình thế cấp bách hiện nay. Việc bội chi này có tác dụng nhằm cho nền kinh tế có đà phục hồi chứ không thể kéo dài. Quan điểm của chúng tôi vẫn cho rằng đây là những chính sách ngắn hạn, cấp bách, tình thế.
PV: Vậy theo ông cần có những qui định cụ thể như thế nào với các khoản bội chi?
Ông Phùng Quốc Hiển: Bội chi chỉ được phép đầu tư cho phát triển và không thể cho chi tiêu dùng. Chúng ta không thể dùng tiền đi vay để chi cho hoạt động chi thường xuyên.
Thứ hai, chúng ta phải tính toán đến các nguồn dự trữ tài chính đã có để chủ động trong việc chi này, kể cả những nguồn mà chúng ta hiện đang nhàn rỗi như tồn kho của kho bạc, của các quỹ bảo hiểm. Việc này sẽ làm giảm áp lực đi vay. Cùng với đó trong nguồn tăng thu của 2008 cũng nên dành một phần chuyển sang bù đắp bội chi.
Từ những căn cứ tính toán đó, tôi cho rằng chúng ta có điều kiện để khai thác một số nguồn thu khác và giảm chi, nhất là những khoản chi bất hợp lý như chi hội nghị, chi khánh tiết, lãng phí trong mua sắm.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình chi ngân sách của Chính phủ trong thời gian qua?
Ông Phùng Quốc Hiển: Qua báo cáo kiểm toán của năm 2007 có thể thấy rằng quản lý chi tiêu chưa chặt. Ví dụ ở cấp Trung ương năm 2007 đã tiết kiệm chi được 650 tỷ đồng và cũng không thực hiện hết dự toán. Đặc biệt các khoản chi quản lý hành chính nhà nước, chi hành chính chưa thực hiện tiết kiệm được. Chúng ta cũng đã thực hiện được việc khoán chi, cân đối chi trên cơ sở nguồn thu. Tôi cho rằng việc quản lý thu - chi, so sánh từ quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006, 2007, cho thấy vẫn còn tình trạng chi tiêu lãng phí. Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính – Ngân sách và của kiểm toán, có nhiều khoản vẫn phải xuất toán. Việc tiết kiệm chi có tiến bộ nhưng vẫn chưa quyết liệt.
Ông Phùng Quốc Hiển
PV: Theo ông, trong tình hình kinh tế hiện nay, Chính phủ đề nghị cho phát hành thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu có thực sự cần thiết?
Ông Phùng Quốc Hiển: Việc tung 20.000 tỷ đồng ra là cần thiết trong lúc này. Chúng ta cũng phải thu hồi những khoản chi tiêu lãng phí. Cùng với đó phải căn cơ lại các khoản chi sao cho hợp lý nhất. Những khoản nào chưa cần thiết thì phải giảm đi để tập trung cho những khoản chi cần thiết. Hiện có rất nhiều dự án chúng ta đang làm ở tình trạng dở dang và không đồng bộ. Nguyên nhân của việc này là do bố trí chưa đủ nguồn vốn. Việc tung thêm 20.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ ra, cộng với 36.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo nguồn rất tốt cho kích cầu. Đây cũng là giải pháp tích cực.
Tất nhiên việc sử dụng nguồn vốn kích cầu phải hiệu quả và chú ý hệ số ICOR (tỷ lệ vốn đầu tư cho một đồng tăng trưởng) của chúng ta đang tăng lên. Hệ số này tăng lên cho thấy việc đầu tư của chúng ta chưa thật hiệu quả, phải giảm hệ số này xuống.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Đầu tư hơn nữa cho nông nghiệp, nông dânBộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong xử lý vốn kích cầu sắp tới, Chính phủ sẽ theo hướng ưu đãi hơn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ngoài ra đầu tư cho thủy lợi, trường học, bệnh viện, giao thông tuyến xã ở các huyện miền núi cũng được quan tâm đầu tư với tỷ lệ cao hơn trong tổng số 20.000 tỷ trái phiếu mà Chính phủ trình Quốc hội vừa qua. Đến thời điểm này Văn phòng Chính phủ chưa nhận được ý kiến chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội để báo cáo với Thường vụ Quốc hội, đoàn Chủ tịch và Thủ tướng Chính phủ xem xét việc phân công trả lời chất vấn - ông Phúc cho biết. Giao thông miền núi cần được đầu tư, phát triển Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Tuyên Quang): Hạ tầng nông thôn nhìn vào chỗ nào thì cũng thấy thiếu (thiếu hệ thống phân phối điện, thiếu đường giao thông, thiếu cơ sở khám chữa bệnh, thiếu trường học). Đề nghị Chính phủ trong gói kích thích kinh tế cần tập trung với tỷ lệ vốn cao nhất cho gói kích cầu cho giao thông nông thôn, đặc biệt là nông thôn ở miền núi. Tôi nghĩ đây chính là giải pháp kích cầu căn bản bền vững. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề về giao thông nông thôn, làm được đường nhựa tới trung tâm các xã miền núi thì sẽ đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, góp phần chăm lo đời sống nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn. Đây cũng là mũi tên trúng nhiều đích và dự liệu chắc chắn thành công, tất nhiên phải đi kèm với kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ. Kích cầu phải làm khẩn trương, quyết liệt Đại biểu Nguyễn Thế Thảo (đoàn Hà Nội) cho rằng trong điều kiện năm nay thì việc tăng bội chi ngân sách lên cao là không thể tránh khỏi. Chấp nhận bội chi lớn hơn để kích cầu vực dậy nền kinh tế phải làm một cách khẩn trương và quyết liệt. Nhưng bội chi lớn bao nhiêu là đúng, 7%, 8% hay 9% của GDP? Bội chi để vực dậy nền kinh tế nhưng ẩn họa phía sau như nợ Chính phủ, lạm phát gia tăng cần được tính đến như thế nào? Đây là những vấn đề thiết thực và quan trọng không kém bản thân việc kích cầu. “Với kịch bản là 8% bội chi ngân sách và để mức đạt tăng trưởng GDP từ 5 - 5,5% thì tôi cho rằng Chính phủ đã đưa ra mức tối đa để chúng ta có thể phấn đấu”-đại biểu Nguyễn Thế Thảo nói. |