Không gian làm việc chung Co-working có phát triển bền vững?
VOV.VN -Tại Việt Nam, mô hình co-working đã lan rộng tại các thành phố lớn và vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư.
Phân khúc co-working (không gian làm việc chung), một mô hình phát triển từ thị trường mặt bằng văn phòng dịch vụ đang phát triển mạnh tại Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chính Minh và Hà Nội. Vậy nguyên nhân của sự phát triển này là gì và liệu nó có bền vững không?
Co-working cho thế hệ doanh nghiệp mới
Theo bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý cấp cao Bộ phận Tư vấn Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội, văn phòng dịch vụ không phải một khái niệm mới. Mô hình này phát triển từ các trung tâm thương vụ tại khách sạn để thay thế cho hình thức thuê mặt bằng văn phòng truyền thống vốn không linh hoạt và không phù hợp với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp trẻ và nhỏ trong môi trường kinh doanh nhiều biến động.
Không gian làm việc chung đang ngày càng nở rộ tại Việt Nam (ảnh minh họa: KT) |
Các công ty thường thuê mặt bằng theo số lượng bàn làm việc; thời gian thuê theo tuần hoặc tháng với các dịch vụ phụ thêm luôn sẵn có khi yêu cầu. Một số hoạt động theo mô hình mạng lưới trong đó khách hàng sẽ trả phí thường niên để sử dụng bất kỳ trung tâm nào trong hệ thống trên toàn cầu. Số khác hoạt động theo mô hình thành viên trong đó khách hàng không chỉ được ưu tiên sử dụng mặt bằng văn phòng mà còn được ưu tiên khi tham gia các sự kiện và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các bên thứ ba.
Văn phòng dịch vụ khá tốn kém. Sự linh hoạt của mô hình này đòi hỏi mức giá cao hơn. Mức độ sử dụng điện, nước, internet thường cao hơn gấp 2 – 3 lần, cộng thêm các dịch vụ phụ thêm như cà phê, hotel…. Một số đơn vị vận hành văn phòng dịch vụ tính chi phí theo diện tích gấp 10 lần so với cho thuê mặt bằng văn phòng truyền thống.
Đại diện của Savills còn cho rằng, một số doanh nhân đang đi công tác hoặc một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam với nhu cầu thuê văn phòng nhỏ trong thời gian ngắn có thể sẵn sàng trả mức giá đó cho sự linh hoạt về diện tích và thời gian thuê; các doanh nghiệp nhỏ và trẻ có thể không chi trả được mức phí này. Mô hình co-working từ đó được phát triển, đưa ra một mức chi phí thấp hơn và môi trường văn phòng mở hơn, thân thiện hơn cho đa dạng các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và người làm việc độc lập. Các tiện ích được cắt giảm, chỉ còn lại những tiện ích cơ bản như bàn làm việc, internet, dịch vụ IT và có thể là một số tiện ích ăn uống nhẹ.
Theo khảo sát của CBRE Việt Nam, 91% người sử dụng Không gian làm việc chung thuộc Thế hệ Y, là những người có độ tuổi dưới 35. Tỷ lệ này cao hơn so với trung bình thế giới là 67%. Con số này cũng phản ánh tỷ lệ dân số trẻ của Việt Nam ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.
Đối với người lao động tự do, khác với làm việc tại văn phòng truyền thống hay làm việc tại nhà, mô hình co-working cho phép họ quyền lựa chọn làm việc độc lập trong không gian riêng hoặc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ ý tưởng với những người đồng quan điểm. Nhiều người tin rằng môi trường như vậy tạo điều kiện để bản thân người lao động phát triển và làm việc hiệu quả hơn, vì vậy mà mô hình co - working đang ngày càng được ưa chuộng.
Thời điểm phát triển mạnh mẽ của mô hình co - working có sự tác động mạnh của thay đổi trong cách mọi người làm việc và chu kỳ kinh tế. Suy thoái kinh tế luôn thúc đẩy xu hướng khởi nghiệp, tuy vậy chu kỳ kinh tế này đã tạo ra sự bùng nổ trong tốc độ tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và tạo ra một văn hóa khởi nghiệp.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam (chiếm 97% trong suốt 15 năm) và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. 72.953 doanh nghiệp đã được thành lập trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Sáng tạo và linh hoạt là 2 giá trị đang ngày càng được đánh giá cao và theo đuổi, và một cách tự nhiên, phân khúc co-working đã phát triển để đáp ứng nhu cầu của một thế hệ doanh nghiệp mới.
Tương lai của co-working sẽ đi về đâu?
Mô hình co-working đã và đang đáp ứng cho một nguồn cầu chưa được thỏa mãn trên thị trường văn phòng. Tại Việt Nam, mô hình này đã lan rộng tại các thành phố lớn và vẫn tiếp tục thu hút vốn đầu tư.
“Trái với số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất lớn, số lượng không gian làm việc chung hiện là một phần rất nhỏ của hoạt động cho thuê văn phòng, cho thấy có cơ hội để mô hình này phát triển hơn nữa. Nhu cầu vẫn tiếp tục tăng bởi thế hệ người lao động mới đang ngày càng đánh giá cao sự linh hoạt của mô hình co-working”- bà Hoàng Diệu Trang nhận định.
Co-working chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển tuân theo các chu kỳ kinh tế và biến đổi để phù hợp với những thay đổi trong cách làm việc của thế hệ lao động mới. Tại các thị trường phát triển, mô hình này vẫn đang bùng nổ và đang dần được tích hợp vào các loại hình bất động sản khác như mặt bằng bán lẻ và khách sạn thành thị. Mô hình co-working tại Việt Nam vì vậy còn rất nhiều tiềm năng phát triển, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng văn phòng của thế hệ các doanh nghiệp trẻ ngày càng lớn mạnh.
Cũng nhìn nhận khả quan về mô hình co-working, Công ty CBRE tại Việt Nam phân tích: “Mô hình không gian làm việc chung trên thế giới đang trên đà phát triển với tốc độ trung bình 53% mỗi năm trong vòng 5 năm vừa qua. Tại Việt Nam, cũng trong khoảng thời gian trên, nguồn cung không gian làm việc chung tăng trung bình 58% hàng năm. Do mô hình này hiện nay vẫn còn khá mới mẻ đồng thời các đơn vị vận hành không gian làm việc chung quốc tế và trong khu vực vẫn còn chưa gia nhập thị trường, tốc độ phát triển dự kiến sẽ còn gia tăng trong những năm tới”./.
Xu hướng mới: Văn phòng “Co-working space”