Khuyến cáo về việc nâng cao uy tín ngành ngân hàng
(VOV) -Với nhiều vụ scandals lớn nhỏ và vấn đề nợ xấu, ngành NH đang được nhiều người quan tâm.
Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam vừa công bố báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 3 và báo cáo ngành ngân hàng năm 2012. Nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu chuẩn bị cho việc công bố Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) diễn ra tới đây.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 44% các DN lớn đã khẳng định họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số DN vay được nhiều vốn hơn trước, nhưng vốn vay chỉ chiếm tối đa 50% trong tổng vốn kinh doanh của DN.
DN Nhà nước được đa số DN nhận định là nhận được ưu đãi tín dụng lớn nhất từ ngân hàng. Đây là một tín hiệu không vui đối với quyết tâm cải cách tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế. Theo sau là các DN có tốc độ tăng trưởng cao và các DN có doanh thu lớn nhất.
Tăng trưởng tín dụng quá mức, cho quá vay nhiều trong lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất tăng cao đã dẫn đến hàng loạt những tác dụng phụ trong việc làm bùng lên bong bóng bất động sản, làm mất an toàn hệ thống tài chính, và gia tăng lạm phát.
Các gói cho vay cùng với các gói dịch vụ khác là những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền thông. Cùng với đó là thông tin về các vụ sáp nhập và NH phát hành trái phiếu. Lãi suất cho vay cao trong các sản phẩm tín dụng, kết quả kinh doanh không khả quan và đánh giá tín nhiệm thấp trên thị trường trái phiếu quốc tế là những chủ đề tiêu cực về các ngân hàng
Sau khi các NH công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012, báo chí đưa nhiều tin bài về các NH không đạt được chỉ tiêu nửa năm. Vấn đề lãi suất cao đã được cải thiện kể từ tháng 5. Tuy nhiên, quan hệ khách hàng căng thẳng hơn trong Quý 3 khi dòng vốn tín dụng vẫn đóng băng.
Theo báo cáo, Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhất của giai đoạn khủng hoảng là cải tổ hoạt động của toàn bộ ngành NH và tránh lặp lại những sai lầm nghiêm trọng trước đây, đặt nền móng cho sự phát triển của toàn bộ hệ thống tài chính trong tương lai. Trong điều kiện uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng. Cần có những giải pháp căn cơ để duy trì và cải thiện lòng tin của công chúng và doanh nghiệp đối với hệ thống ngân hàng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các ngân hàng Việt Nam cũng gặp phải vấn đề tương tự những ngân hàng ở nước ngoài: Minh bạch hóa hoạt động và tăng cường tiếp xúc với giới truyền thông để giúp công chúng hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ quan tâm. Để làm được điều này, các ngân hàng không chỉ phải thực sự “trong sạch”, mà còn cần phải có một hệ thống truyền thông hiệu quả để ứng phó với bất cứ sự cố nào có thể xảy ra. Đó là những bài học rất có ý nghĩa đối với hệ thống NH tại Việt Nam./.