Khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ngày 12/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một hệ thống các biện pháp, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Đối tượng áp dụng chính sách này gồm các tổ chức thực hiện cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (gồm: các TCTD, tổ chức tài chính quy mô nhỏ; các ngân hàng, tổ chức tài chính được Chính phủ thành lập để thực hiện việc cho vay theo chính sách của Nhà nước) và các tổ chức, cá nhân được vay vốn theo quy định để phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Nghị định quy định 8 lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn; Cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn; Cho vay chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và muối; Cho vay để kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản; Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn; Cho vay tiêu dùng nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở nông thôn; Cho vay theo các chương trình kinh tế của Chính phủ.

Về nguồn vốn cho vay của các TCTD đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bao gồm: Nguồn vốn huy động của các TCTD và các tổ chức cho vay khác; (Vốn vay, vốn nhận tài trợ, uỷ thác của các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước; Nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Vốn vay Ngân hàng Nhà nước (NHNN): căn cứ mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và yêu cầu phát triển kinh tế trong từng thời kỳ, NHNN có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các TCTD thông qua việc sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tài chính thực hiện cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệnh giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay của TCTD.

Về cơ chế bảo đảm tiền vay, TCTD được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định hiện hành. Đồng thời, TCTD quy định rõ mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, điều kiện và thủ tục cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với từng đối tượng khách hàng, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của TCTD đối với khách hàng. Cụ thể, TCTD cho vay tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa đến 500 triệu đồng đối với đối tượng là các hợp tác xã, chủ trang trại. Ngoài ra, TCTD xem xét cho vay tín chấp đối với các đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình trên cơ sở có bảo đảm của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn theo quy định hiện hành.

Về lãi suất cho vay, Nghị định quy định rõ: Các ngân hàng, tổ chức tài chính cho vay các đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế ở nông thôn theo chỉ định của Chính phủ thì thực hiện việc cho vay theo mức lãi suất do Chính phủ quy định; Lãi suất cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn của các TCTD được thực hiện theo cơ chế tín dụng thương mại hiện hành; Những khoản cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn của các TCTD do Chính phủ hoặc các tổ chức cá nhân khác ủy thác thì mức lãi suất được thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc theo thỏa thuận với bên ủy thác.Các tổ chức tài chính quy mô nhỏ cho vay các đối tượng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo lãi suất thỏa thuận với khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Về thời hạn cho vay, căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn, khả năng hoàn vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh của khách hàng, TCTD và khách hàng thỏa thuận thời hạn vay vốn phù hợp.

Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho TCTD do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh...), TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng theo quy định hiện hành, đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới, mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.

Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, khi có thông báo của cấp có thẩm quyền, ngoài việc xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ cho khách hàng, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với tổ chức, cá nhân vay vốn bị thiệt hại nặng, không có khả năng trả nợ. TCTD cho vay được thực hiện khoanh nợ không tính lãi cho người vay đối với dư nợ hiện còn tại thời điểm xảy ra thiên tai, dịch bệnh được công bố tại địa phương. Thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm và số lãi TCTD đã khoanh cho khách hàng được giảm trừ vào lợi nhuận trước thuế của TCTD.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2010./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên