Khuyến khích Nhật Bản đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ

Việt Nam có ý tưởng thành lập 1 hoặc 2 khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.  

Việt Nam sẵn sàng thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào ngành công nghiệp phụ trợ. Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch -Đầu tư Đặng Huy Đông tại hai cuộc Hội thảo về xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ được tổ chức ngày 5 và 6/9 tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Trong bối cảnh nhiều công ty Nhật Bản đang chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, đây sẽ là cơ hội rất tốt cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam.

Hai cuộc hội thảo đều có chủ đề về tiềm năng đầu tư và phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam do Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với các đối tác Nhật Bản tổ chức. Mỗi cuộc hội thảo đều thu hút trên 100 đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Đặng Huy Đông đã giới thiệu về các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chú trọng thu hút công nghệ của Nhật Bản vào ngành công nghiệp phụ trợ, lĩnh vực mà Việt Nam vừa thiếu lại vừa yếu. Tuy gọi là phụ trợ nhưng đây là lĩnh vực đóng vai trò vô cùng quan trọng do nó cung cấp linh kiện và nguyên liệu cần thiết cho các ngành công nghiệp như ô tô, điện tử.

Ông Đặng Huy Đông cho biết, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo chính sách riêng đặc thù cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Với đặc thù phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp này sẽ gặp nhiều khó khăn về nhân lực và tài chính trong việc tìm kiếm địa điểm đặt nhà máy, thực hiện các thủ tục về đầu tư và hành chính.

Chính phủ Việt Nam có ý tưởng thành lập một hoặc hai khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Tại các khu công nghiệp này, các doanh nghiệp Nhật Bản được cung cấp đầy đủ nhà xưởng theo yêu cầu cũng như các dịch vụ liên quan đến đầu tư và hoạt động sản xuất. Ngoài ra, khu công nghiệp cũng có một môi trường sống đầy đủ tiện nghi cho các nhà đầu tư. Như ông Đông giới thiệu, các nhà đầu tư chỉ việc đem máy móc đến sản xuất.

Theo ông Đông, với vị trí là cầu nối giữa Trung Quốc và Đông Nam Á, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp các sản phẩm của các nhà đầu tư dễ dàng chuyển đi thị trường 1,2 tỷ dân bao gồm 10 nước ASEAN và miền nam Trung Quốc. Ngoài ra, với một loạt các tên tuổi như Canon, Samsung, Kyocera đã xây dựng các nhà máy quy mô rất lớn ở Việt Nam, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam sẽ tìm được đầu ra phong phú.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Susumu Kato, Phó Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren), tổ chức lớn nhất của các doanh nghiệp nước này, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến thị trường Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp phụ trợ nói riêng. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất kỳ vọng vào việc thực hiện giai đoạn 3 của Sáng kiến chung Nhật Việt về cải thiện môi trường đầu tư.

Ông Kyohei Takahashi, đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật Việt thuộc Keidanren đánh giá cao ý tưởng của Chính phủ Việt Nam về việc thành lập khu công nghiệp dành riêng cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Keidanren sẽ phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam xem xét thực hiện ý tưởng này.

Ông Takahashi cho rằng, để thu hút đầu tư của Nhật Bản, Việt Nam cần tích cực xúc tiến việc cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải cách thủ tục hành chính. Theo ông Takahashi, mặc dù Việt Nam có nguồn lao động dồi dào nhưng đây lại là vấn đề đang gây nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Hiện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đang đối mặt với vấn đề thiếu lao động trầm trọng. Do đó, việc xây dựng một hệ thống nhằm đảm bảo nguồn lao động và đào tạo lao động cho ngành công nghiệp phụ trợ là vô cùng cấp thiết. Các doanh nghiệp Nhật Bản hy vọng Việt Nam sẽ xây dựng được một hệ thống trung tâm đào tạo nghề và thực các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Ngoài ra, để thu hút được lao động từ các địa phương, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng môi trường sống cho lao động tại các khu công nghiệp bao gồm nơi ở, bệnh viện, trường học...

Cũng tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam như Sumitomo, Toshiba đã đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam. Ông Shinichi Kawakami thuộc Công ty công nghiệp điện Sumitomo cho biết, hiện công ty đang có 5 công ty con hoạt động ở Việt Nam với khoảng 13.000 nhân viên. Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam và dự kiến tăng số nhân viên lên 20.000 người trong vòng 5 năm tới.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc đồng yên Nhật Bản tăng giá mạnh tác động xấu đến xuất khẩu của nước này đang khiến nhiều doanh nghiệp Nhật Bản phải tính đến việc di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.

Theo cuộc kết quả điều tra do Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản mới công bố hôm 1/9, có đến 46% số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản cho biết sẽ phải chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài nếu tình trạng đồng yên tăng giá tiếp tục kéo dài. Đây là cơ hội Việt Nam không thể bỏ qua để thu hút công nghệ cao của các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển nền công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp phụ trợ nói riêng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên