Khuyến khích xã hội hóa xây dựng và quản lý chợ
VOV.VN - Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng chợ.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ. Theo dự thảo, tiêu chí chợ đầu mối là có vị trí gần vùng nông sản hàng hóa tập trung với quy mô lớn hoặc gần trung tâm tiêu dùng, ngoại vi các đô thị lớn; gần đầu mối giao thông, kết nối thuận tiện với mạng lưới đường bộ, đường sông hoặc đường sắt; đảm bảo các quy định hiện hành về an ninh quốc phòng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây tác động xấu tới môi trường.
Về quy mô, diện tích mặt bằng chợ đầu mối căn cứ trên dung lượng thị trường, luân chuyển hàng hóa phục vụ cho phát triển lưu thông hàng hóa, sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu của tỉnh, khu vực hoặc cả nước. Diện tích mặt bằng nền chợ tối thiểu là 8.000 m2 (đối với chợ cải tạo, nâng cấp đạt chuẩn chợ đầu mối) và tối thiểu 10.000 m2 (đối với chợ đầu mối xây mới) không kể diện tích dành cho khuôn viên, đường đi, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.
Đối với chợ dân sinh, dự thảo quy định chợ dân sinh được phân thành hạng 1 hoặc hạng 2 hoặc hạng 3. Việc phân hạng hoặc điều chỉnh phân hạng chợ do UBND dân cấp tỉnh phê duyệt. Theo đó, chợ hạng 1 là chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở các vị trí trung tâm kinh tế thương mại quan trọng của tỉnh, thành phố hoặc là chợ đầu mối của ngành hàng, của khu vực kinh tế và được tổ chức họp thường xuyên.
Chợ hạng 2 là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch; được đặt ở trung tâm giao lưu kinh tế của khu vực và được tổ chức họp thường xuyên hay không thường xuyên.
Chợ hạng 3 là các chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc các chợ chưa được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố; chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân trong xã, phường và địa bàn phụ cận.
Căn cứ vào Quy hoạch tỉnh, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và nhu cầu phát triển, UBND cấp tỉnh lập kế hoạch phát triển chợ nhằm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn; giải tỏa chợ không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư hoặc góp vốn cùng Nhà nước đầu tư xây dựng chợ. Việc phát triển và vận hành chợ thuộc danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện, đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Dự án đầu tư chợ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách xã hội hóa đầu tư theo các quy định hiện hành./.