Kích cầu hàng Việt: Cần liên tục và dài hạn

Sau hơn 1 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, thị trường nông thôn được nhìn nhận là nơi tiêu thụ hàng hóa lớn nhất.

Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau hơn một năm được Bộ Chính trị phát động, đã có những thành công bước đầu. Các doanh nghiệp trên cả nước đã có những động thái tích cực thúc đẩy việc sản xuất nhiều mặt hàng phù hợp với yêu cầu của người tiêu dùng Việt Nam; Cải tiến cách phân phối hàng hóa, tổ chức triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp với thị trường nước ta.

Qua cuộc vận động, doanh thu của một số hàng nội như dệt may, thực phẩm, bánh kẹo… đã tăng lên rõ rệt. Người tiêu dùng có đủ thông tin để so sánh, tránh hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển mạnh mẽ.

Hiện các địa phương, doanh nghiệp đang bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của Chương trình với nhiều cải tiến về phương thức và chiến lược hoạt động.

Ngày 31/7/2009, Bộ Chính trị đã ban hành văn bản số 264-TB/TW về việc tổ chức cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Sau thời điểm này, chương trình đã được phát động trên toàn quốc.

Được biết, hầu hết các doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng ngành của họ cao hơn trước, ở mức khoảng 13,6% trong 12 tháng tới, mức tăng trưởng ngành được kỳ vọng sẽ cao gấp đôi mức tăng 6% của năm 2010.

Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu trên, vẫn còn nhiều việc phải làm để giải quyết những tồn tại, khó khăn rút ra từ giai đoạn 1.

Nông thôn- thị trường tiềm năng

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường nông thôn ở Việt Nam có tiềm năng dồi dào với hơn 60 triệu người, gấp 3 lần người tiêu dùng ở thành thị. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, khu đô thị, hội chợ, triển lãm… đã giúp cho người tiêu dùng trên cả nước, nhất là người tiêu dùng nông thôn tiếp cận trực tiếp với hàng hóa thương hiệu Việt, có đủ thông tin để so sánh, đánh giá, tránh hàng giả, hàng nhái và tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển.

Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp Việt Nam để khuyến khích họ tích cực cải tiến hơn nữa về mẫu mã, chủng loại hàng hóa, đáp ứng được cao nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Theo Bộ Công thương, đã có 68 đợt đưa hàng về nông thôn với 857 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 4,7 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng đạt gần 1.500 tỷ đồng.

Báo cáo tại cuộc giao ban ngành Công Thương mới đây, ông Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Bên cạnh các chương trình khuyến mãi diễn ra rầm rộ, ngành Công Thương Hà Nội đã tiếp tục triển khai đợt 2 chương trình người Việt ưu tiên dùng hàng Việt với việc tổ chức 31 phiên chợ tại 7 huyện.

Không chỉ các doanh nghiệp thương mại mà nhiều doanh nghiệp sản xuất đã triển khai đại lý tới địa bàn nông thôn, bước đầu có sự ổn định hàng hóa.

Cần một kế hoạch dài hạn

Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ các Sở Công Thương cho rằng, cần phải có kế hoạch dài hạn và cụ thể hơn cho chương trình này mới mong gặt hái được thành công.

Ông Trần Vinh Nhung, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM chia sẻ: “Chúng tôi đã đang và sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở Công Thương trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong việc xây dựng phát triển nguồn hàng, để đảm bảo cung ứng hàng ổn định, không có sốt hàng đột biến.

Hướng của TP HCM là xây dựng hệ thống bán lẻ, bình ổn các mặt hàng thiết yếu. Thành phố sẽ xây dựng các hệ thống mạng lưới, các cửa hàng bán hàng ổn định cho các khu vực có nhu cầu như các KCN, các vùng ngoại thành; phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại theo chuỗi phân phối lớn trong thành phố và các tỉnh lân cận”.

Bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương bày tỏ:  Bình Dương đã tổ chức được 17 phiên chợ nông thôn, chợ công nhân và  đều đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, qua dư luận của người tiêu dùng, hàng hóa chưa phong phú, chưa thỏa mãn nhu cầu do mỗi phiên chợ chỉ có khoảng 20- 25. Bởi thế, không thể trách người tiêu dùng khi không mua hàng của mình, mà các tổng công ty, doanh nghiệp cần quảng bá sản phẩm thì nên liên hệ với Sở Công Thương các tỉnh để phối hợp cùng đưa hàng Việt về nông thôn, mở rộng và đa dạng háo chủng loại sản phẩm.

Theo bà Điền, Bộ Công Thương nên duy trì chương trình “Tuần hàng Việt”, có sự quảng bá sản phẩm Việt Nam chung cho cả nước thì sẽ ghi được hình ảnh trong lòng người tiêu dùng tốt hơn. Từng địa phương làm sẽ không có nhiều hiệu quả.

Đồng quan điểm này, ông Phan Văn Đa, Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng bộc bạch: Việc đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tốt  nhưng mới chỉ làm phần ngọn chứ chưa làm phần gốc. Tại mỗi địa phương mở các phiên chợ hàng Việt được 1-2 ngày là rút hết. Vì thế,  để việc này có ý nghĩa thực tế thì các doanh nghiệp phải có đại lý ổn định và lâu dài thì hàng hóa mới “ở lại” với người dân, Bộ phải làm cách nào để hàng hóa cắm rễ lại thị trường nông thôn chứ không chỉ là những phiên chợ giới thiệu.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã có thỏa thuận với Liên minh các Hợp tác xã thực hiện thí điểm ở một số địa phương, huy động các HTX nông nghiệp ở các địa phương tham gia làm đại lý phân phối hàng hóa của doanh nghiệp, thu mua sản phẩm của nông dân, làm đại lý sản phẩm nông nghiệp... tiến tới nhân rộng mô hình này ra toàn quốc.

Và sự nỗ lực của các bên

Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam nhận định: “Theo dự báo của các chuyên gia cũng như của chính Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong vài năm tới, thị phần cũng như vai trò của các hình thức bán lẻ truyền thống vẫn còn tiếp tục khá lớn ở Việt Nam. Vì vậy, từ phía Hiệp hội cũng như các thành viên, chúng tôi rất ý thức được việc làm thế nào để có thể mở rộng phát triển mạng lưới bán lẻ ở khu vực này. Từ góc độ làm sao có thể đưa được sản phẩm, hàng Việt về các khu vực. Đó cũng là một câu hỏi rất lớn mà chúng ta cần phải quan tâm”.

Hiện có một vấn đề mà nhiều chuyên gia quan tâm đó là vấn đề nhập khẩu của Việt Nam. Trong 1 năm diễn ra cuộc vận động, khi mà các cơ quan Nhà nước liên tục nhấn mạnh về việc chỉ cho phép nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được thì những mặt hàng tiêu dùng thông dụng với chất lượng thấp vẫn đang hàng ngày, bằng mọi con đường được nhập vào Việt Nam. Đây là một trong những yếu tố cản trở sản xuất trong nước phát triển.

Câu chuyện về việc Việt Nam, một nước nổi tiếng với cây tre nhưng tăm tre cũng phải nhập, đã cho thấy chủ thể của cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt không phải là người tiêu dùng mà chính là doanh nghiệp. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như mở rộng, phát triển kênh phân phối là một đòi hỏi và thách thức với nhiều doanh nghiệp.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc cải tiến, hiện đại hóa công nghệ sản xuất là một việc làm cần thiết, có tính quyết định khả năng hoạt động của các doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Vấn đề này đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài, có sự liên kết hợp lý giữa các ngành và đặc biệt là có sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là việc làm rất cần thiết nếu muốn phục hồi, phát triển hàng nội và chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2011 mà Bộ Công Thương đang xây dựng, bộ phận xúc tiến thương mại nội địa sẽ được coi là một cấu thành hết sức quan trọng. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp để tạo sự liên kết trong việc cung cấp thông tin thị trường nhằm tăng cường hợp tác và hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên