Kiểm soát hoạt động định giá cước vận tải
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác kê khai giá.
Mặc dù chưa bổ sung giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá, nhưng để tăng cường quản lý trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu điều chỉnh các quy định về kê khai giá cước vận tải.
Không chấp nhận khi doanh nghiệp kê khai tăng giá
Theo thống kê của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá vé vận tải đường sắt, trong 3 đợt, từ ngày 24/3/2015 đến ngày 20/5/2015, Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện giảm giá 20-30% đối với chiều vắng khách cho tuyến Bắc- Nam. Đợt cao điểm từ ngày 23/4/2015 đến 3/5/2015 Tổng công ty điều chỉnh tăng 10-15% giá vé chiều đông khách. Tuy nhiên, sau ngày 3/5/2015 các mức giá vé trở lại như bình thường.
Giá vé vận tải đường bộ bằng ô tô, trong tháng 4/2015, qua theo dõi và tổng hợp thông tin của các thành phố lớn (như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng), cước vận tải đường bộ ổn định. Một vài doanh nghiệp kinh doanh vận tải kê khai tăng giá vì lý do có trạm thu phí trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4, 1/5 đều không được cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương chấp nhận. Trong dịp 30/4 và 1/5, hiện tượng phụ thu giá cước vận tải chỉ diễn ra trong vài ngày và tại một số ít địa phương, tuy nhiên giá cước vận tải vẫn trong kiểm soát.
Đối với giá vé vận tải hàng không, 3 hãng hàng không (Tổng công ty Hàng không VN, Jetstar và Vietjet) có văn bản kê khai lại giá hoặc kê khai mức giá khai thác đường bay mới hoặc cơ cấu lại mức giá trong các loại giá. Tuy nhiên, mức giá cao nhất vẫn thấp hơn mức trần do Cục Hàng không quy định từ 9-25%.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hết tháng 2/2015, theo báo cáo của các địa phương về tình hình quản lý giá cước vận tải, giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92- 32% (phổ biến giảm từ 3-10%), giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3- 25% (phổ biến giảm từ 5-10%) so với lần kê khai liền kề (tùy thời gian kê khai liền kề của mỗi đơn vị kinh doanh vận tải).
Bộ Tài chính nhận định, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đồng thời với sự phối hợp của các địa phương, tình hình giảm giá cước đã diễn ra trên tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nhà nước kiểm soát việc định giá của doanh nghiệp
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, chưa bổ sung dịch vụ vận tải bằng ô tô vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Theo lý giải của Bộ Tài chính, xuất phát từ tình hình thực tế và tính chất đặc thù của thị trường vận tải và đặc điểm của dịch vụ vận tải bằng xe ô tô, đồng thời căn cứ quy định pháp luật hiện hành về quản lý giá tại Luật Giá, Luật Giao thông đường bộ, thời điểm hiện nay chưa thể thực hiện bình ổn giá dịch vụ vận tải bằng ô tô.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải điều hành quản lý giá cước vận tải. Đồng thời, nghiên cứu xem xét có sự điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các quy định hiện hành về kê khai giá cước vận tải, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý kê khai giá cước vận tải tại địa phương phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Về phạm vi chức năng quản lý của mình, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đôn đốc sát sao, đề nghị các địa phương quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình giá cước vận tải trên địa bàn; công khai, minh bạch các thông tin về giá vé và chất lượng dịch vụ của các đơn vị vận tải tại bến xe để hành khách lựa chọn.
Tuy nhiên, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng, với chức năng quản lý giá chuyên ngành giao thông vận tải, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Sở Tài chính tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý, điều hành giá cước vận tải bằng xe ô tô như hiện nay.
Theo đó, giá cước vận tải do đơn vị cung ứng dịch vụ quy định theo cơ chế thị trường; Nhà nước kiểm soát hoạt động định giá của các đơn vị kinh doanh vận tải thông qua hình thức kê khai giá, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mức giá cước phù hợp với thị trường./.