Kiểm toán 8 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước
(VOV) - Kết quả kiểm toán sẽ đánh giá tình hình tài chính, quản trị và hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư...
Trong báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2013 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Đinh Tiến Dũng cho biết, một trong các nội dung trọng tâm của năm 2013 là tập trung kiểm toán hầu hết các tập đoàn (TĐ), tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN) .
NHTM cũng là một trong những đối tượng trọng tâm của nội dung kiểm toán năm 2013. |
Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN sẽ có những kiến nghị đối với Chính phủ, Quốc hội trong việc chỉ đạo thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại hệ thống các NHTMNN.
Thông qua kết quả kiểm toán sẽ đánh giá được việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá ngoại hối, cho vay tái cấp vốn; đánh giá việc sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và hoạt động tín dụng (nợ quá hạn, nợ xấu), kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường...
Uỷ ban Tài chính Ngân sách - cơ quan thẩm tra kế hoạch này đề nghị tập trung nguồn lực kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn, sử dụng nhiều vốn và tài sản nhà nước, sản xuất kinh doanh các mặt hàng độc quyền ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống như điện, than, xăng dầu...
Đặc biệt, theo đề nghị của Uỷ ban Tài chính Ngân sách, công tác kiểm toán cần tập trung mạnh vào các đơn vị kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ đổ vỡ và những tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả kinh doanh giảm mạnh trong những năm gần đây, kể cả những đơn vị đã được kiểm toán trong thời gian trước.
Về quy trình kiểm toán, ông Dũng cho hay, năm 2013, KTNN dự kiến kiểm toán tại 29 đầu mối trong đó có 8 tập đoàn theo hình thức cuốn chiếu. Ngoài ra, KTNN còn thực hiện kiểm toán 20 chuyên đề, tập trung vào lĩnh vực đầu tư công; quản lý, sử dụng đất đai, phát triển nhà và đô thị; quản lý công tác khai thác tài nguyên khoáng sản...
Cùng với việc tập trung kiểm toán một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng là một trong những đối tượng trọng tâm của nội dung kiểm toán trong năm 2013.
Theo đó, công tác kiểm toán sẽ được tập trung xem xét chất lượng công tác lập dự toán của các bộ, ngành chưa được cải thiện, nhất là dự toán thu NSNN; tình trạng phân bổ dự toán chậm, chưa sát thực tế nên phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần làm ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ vẫn diễn ra;… quản lý và sử dụng nhà, đất còn chưa chặt chẽ, không hiệu quả, gây lãng phí ngân sách.
Đặc biệt, kiểm toán sẽ làm rõ việc sử dụng ngân sách ở địa phương khi thực hiện bố trí vốn đầu tư ở một số địa phương còn dàn trải, thiếu tập trung, nợ đọng trong xây dựng cơ bản lớn; tình trạng một số đơn vị kê khai sai các khoản thuế phải nộp NSNN, sai số được hoàn thuế... vẫn diễn ra.
Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, trong năm 2013 sẽ tăng cường kiểm toán các đối tượng liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là các dự án, công trình phục vụ cho quản lý, điều hành tái cấu trúc đầu tư công; sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội để phục vụ cho đánh giá chất lượng các dự án, công trình được kiểm toán.
Báo cáo kết quả ở tất cả các lĩnh vực đã kiểm toán trong 8 tháng đầu năm 2012, Tổng KTNN cho biết, qua tổng hợp sơ bộ từ 55 cuộc kiểm toán đã kết thúc và trình xét duyệt, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.092 tỉ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 703 tỉ đồng, giảm chi 898 tỉ đồng, xử lý khác 2.491 tỉ đồng.
Đồng thời với đó là việc đánh giá công tác điều hành chính sách tiền tệ, sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, trong đó tập trung đánh giá việc điều hành lãi suất, tỷ giá ngoại hối, cho vay tái cấp vốn; đánh giá việc sử dụng Quỹ Dự trữ ngoại hối nhà nước và hoạt động tín dụng (nợ quá hạn, nợ xấu); kết quả thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13 của Chính phủ.
Cụ thể hơn về chủ trương kiểm toán NHTMNN, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách - Phùng Quốc Hiển cho rằng, công tác kiểm toán cần tập trung nguồn lực chuyên sâu kiểm toán chính sách tiền tệ, quá trình sáp nhập, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại, tình hình tài chính của các ngân hàng sau tái cơ cấu.
“Kiểm toán cần tập trung đánh giá hiệu quả của việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng trong thời gian qua; tình hình mua bán ngoại tệ và quản lý, sử dụng ngoại hối, lãi suất; nợ xấu; tình hình sử dụng nguồn vốn mà NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng; luân chuyển vốn sau khi sáp nhập; việc thực hiện các quy định hiện hành về sử dụng vốn của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cổ phần” – ông Hiển kiến nghị./.