Kiểm toán Nhà nước: Quản lý nhiều dự án BOT còn lỏng lẻo
VOV.VN -Theo Kiểm toán Nhà nước, nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho ngân sách nhà nước và chất lượng dự án.
Liên quan đến việc kiểm soát dự án BOT, tại buổi họp báo kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sáng nay (26/8), ông Nguyễn Huỳnh Tịnh, KTNN Khu vực 9 cho hay, tình trạng các nhà đầu tư BOT khai vống dự toán dự án là do việc xác định một số hạng mục, định mức kỹ thuật chưa được thống nhất giữa các cơ quan quản lý.
Quản lý lỏng lẻo
Các hạng mục của nhà đầu tư khai báo, kết quả kiểm toán và các cơ quan chức năng thời gian qua cho thấy nhiều dự án BOT, BT được quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, trong đó tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư/tổng vốn đầu tư thấp, khoảng cách các trạm thu phí chưa hợp lý. Tại nhiều dự án, hồ sơ quản lý chất lượng còn nhiều thiếu sót, sơ sài, chất lượng thi công một số không đảm bảo chất, lượng, có hiện tượng xuống cấp hư hỏng...
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đã đề nghị Chính phủ xem xét lại về việc nhà đầu tư hạ tầng giao thông có chi phí lớn nhưng vay lớn, trong khi vốn tự có nhỏ, lãi vay nặng khiến thời gian hoàn vốn dài, chi phí lớn.
Còn ông Cao Tấn Khổng, Phó Tổng KTNN khẳng định: Về định mức đầu tư, dư luận cho rằng tổng mức đầu tư các dự án BOT quá cao, hiện cơ quan kiểm toán đang thực hiện kiểm toán theo chỉ đạo. Kết quả sẽ được báo cáo và trình các cấp liên quan vào năm 2017.
Với thực trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng chuyên ngành 6, kiến nghị, trước khi phê duyệt dự án, các cơ quan chức năng, chuyên môn cần phải căn cứ vào hợp đồng tài chính ký kết ban đầu để xem xét yếu tố tác động đến phương án tài chính, trong đó cần dựa vào hợp đồng ban đầu của chủ đầu tư để xác định vốn chủ sở hữu phải trên 65% theo quy định của các luật chuyên ngành…
Quy định thiếu chặt chẽ
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, BOT, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày của đơn vị tư vấn (chẳng hạn, dự án mở rộng QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT), việc xác định chỉ tiêu lưu lượng phương tiện xe qua trạm thu phí chỉ căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế 2 ngày của đơn vị tư vấn);
Hoặc tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện (Chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - thành phố Hạ Long (BOT) và Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (BT).
KTNN cho rằng, thực trạng trên khiến khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính; tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết (Nhà đầu tư Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - thành phố Hạ Long (BOT); Dự án thành phần 1 của Dự án Đường trục chính và hạ tầng khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (BT); Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (BT);
Hay như khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý (Khoảng cách từ trạm thu phí của Dự án mở rộng QL1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT) đến trạm thu phí Hầm Đèo Ngang chỉ là 10km).
Cũng theo kết quả kiểm toán, một số dự án thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ chung của dự án; chưa lập phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt còn sai sót; một số trường hợp bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng quy định; tiến độ thực hiện đầu tư tại hầu hết các dự án đều chậm so với kế hoạch ban đầu nhưng không phân tích rõ nguyên nhân để xử lý trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó một số dự án chậm trên 3 năm…/.