Kiên định thực hiện Nghị quyết 11, đảm bảo an sinh xã hội

Sau hơn ba tháng triển khai Nghị quyết 11/CP, nước ta đã tăng thêm 1,2 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ tán thành đề xuất của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia về điều chỉnh một số mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2011, trong đó phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6%, kiềm chế tăng chỉ số tăng giá ở mức khoảng 15%, giảm bội chi ngân sách Nhà nước dưới 5%...

Đây là nhiệm vụ khó khăn đòi hỏi các địa phương, bộ, ngành kiên định bám sát các mục tiêu và giải pháp trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, tạo chuyển biến tích cực cho kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến thời điểm này, tổng số vốn đầu tư của các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế cắt giảm, điều chuyển là 80.550 tỷ đồng, trong đó số vốn giảm nhờ thực hiện các giải pháp điều hành của Chính phủ khoảng 30.000 tỷ đồng. Thực hiện tiết kiệm chi 10% như Nghị quyết 11 đã nêu, cả nước tiết kiệm được gần 3.900 tỷ đồng để chi cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Theo các Bộ, cần đánh giá kỹ khi quyết định giãn tiến độ dự án các dự án cấp bách như xây dựng trường học, bệnh viện, trạm y tế, phòng chống thiên tai. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: giải quyết vốn cấp bách đối với các dự án điện cần được xem xét kỹ, vì đây là các dự án mang tính chiến lược dài, có ý nghĩa quyết định đối với tình hình cung ứng điện đang gặp khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế. Do vậy cần phân bổ vốn hợp lý cho từng dự án cụ thể, vì nếu giãn tiến độ rất lãng phí, không đảm bảo an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói: “Việc cắt giảm đầu tư công trong giai đoạn hiện này là chủ trương đúng đắn, kịp thời, tuy nhiên các dự án cấp bách xây dựng công trình phòng chống lụt bão cần 100 tỷ đồng; lúc khó khăn này, có công việc không dừng được, đang dự án gải phóng mặt bằng, lãng phí lắm, điều là công chỉnh công trình cấp bách, chặn dòng vượt đỉnh lũ”.

Sau hơn ba tháng triển khai Nghị quyết 11/CP, nước ta đã tăng thêm 1,2 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, tăng trưởng tín dụng, quản lý được thị trường ngoại tệ, vàng. Tuy nhiên, việc thực hiện thắt chặt, tăng lãi suất liên ngân hàng nhằm kiềm chế lạm phát gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết; về cơ cấu tín dụng cho vay đối với sản xuất tăng 25%, tức là toàn bộ tăng trưởng tín dụng gần như tập trung ưu tiên cho khu vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, đồng thời tiếp tục hạn chế cho vay phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết: Điều hành chính sách tiền tệ, tăng trưởng tín dụng khoảng 20%, rải đều tiền theo từng quý, từng thời điểm làm ăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp, cho nông nghiệp điều hành ngân hàng thương mại cố gắng sẽ giảm mặt bằng lãi suất cho vay Việt Nam đồng. 

Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,75 tỷ USD tăng 32,8% so với cùng kỳ, nhưng ước nhập siêu gần 6,6 tỷ USD, chiếm 18,9% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu. Do vậy, vấn đề kiểm soát nhập siêu vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới. Cụ thể, Bộ Công thương ban hành quyết định 197 quy định nhập khẩu một số mặt hàng rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động qua 3 cảng biển lớn, đặc biệt từ ngày 26/6, thông tư 20 sẽ có hiệu lực quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại 9 chỗ trở xuống. Đây là biện pháp cấp thiết kiểm soát nhập khẩu hàng xa xỉ, góp phần hạn chế nhập siêu.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: Biện pháp để chúng tôi áp dụng đảm bảo lành mạnh hóa thị trường. Đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng ô tô cũng như là những yêu cầu về an toàn giao thông. Đối với hợp đồng đã ký trước ngày 12/5 tức là trước ngày ban hành Thông tư này. Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp các thông tin từ các nhà nhập khẩu nếu mà có những chứng cứ chính đáng xác minh được chắc chắn cụ thể được lượng hàng mà doanh nghiệp đã ký nhưng với điều kiện đã tiến hành đặt hàng ví dụ như thanh toán hoặc là hàng đang trên đường về Việt Nam không về kịp trước ngày 26/6, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.

Nhờ thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng 2,21% so với tháng 4, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng sẽ không tăng quá 1% vào tháng 6. Theo dõi diễn biến giá dầu thô thế giới, Bộ Tài chính và Bộ Công thương tăng cường các hoạt động kiểm soát giá cả về các mặt hàng thiết yếu như: giá xăng dầu, điện, than, điều hành linh hoạt theo cơ chế thị trường, để tính toán thời điểm điều chỉnh gắn với mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn giảm thuế cho cơ sở kinh doanh phục vụ trực tiếp người lao động thu nhập thấp ở các khu công nghiệp. Đồng thuận với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn  Ninh cho rằng: sẽ kiến nghị lên Chính phủ và trình Quốc hội thông qua chính sách miễn giảm hoàn toàn hoặc miễn giảm một phần thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện Nghị quyết 11 Chính phủ đã mang lại kết quả ban đầu. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiên định mục tiêu và các nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 11, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên