Kiều hối chảy vào tiệm vàng?

Lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay được dự báo sẽ đạt gấn 10 tỉ USD, cao hơn mức kỷ lục 8 tỉ USD của năm 2010.

Nhiều ngân hàng cho biết rất tích cực thu hút nguồn kiều hối vào ngân hàng thông qua các hình thức tích điểm, tặng quà... nhưng không có nhiều người nhận kiều hối bán lại ngoại tệ cho ngân hàng.

Đại diện Công ty kiều hối Sacomrex cho biết số người muốn nhận kiều hối bằng ngoại tệ cao hay thấp tùy theo tỉ giá, nếu tỉ giá tại thị trường tự do cao hơn của ngân hàng thì họ có xu hướng nhận ngoại tệ và ngược lại.

Theo các ngân hàng, những ngày gần đây USD tự do nhích lên, hiện chênh khoảng 200-300 đồng/USD so với giá niêm yết tại ngân hàng nên người dân thích bán USD cho tiệm vàng.

Ngân hàng Nhà nước ước tính lượng kiều hối năm nay gần 10 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm ngoái.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), năm 2011, lao động Việt Nam gửi về nước, khoảng 1,8 tỷ USD.

Hiện có hơn 400.000 người Việt Nam đang lao động tại nước ngoài. Theo Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, hiện có gần 4 triệu người Việt Nam cư trú ở gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tất cả họ mỗi năm gửi về Việt Nam một lượng kiều hối không nhỏ.

Nếu như năm 1999, lượng kiều hối chuyển về nước mới chỉ chiếm 4.2% tổng sản lượng nội địa (GDP), thì con số này năm 2002 đã tăng lên 7.8%. Và năm 2010, lượng kiều hối đã bằng khoảng 7,7% GDP (GDP ước trên 100 tỉ USD).

Trong khi các nguồn khác như vốn hỗ trợ phát triển (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), đóng góp vào cán cân thanh toán ngày một khó khăn thì kiều hối vẫn tăng đều và dồi dào. Theo NHNN, năm 2010, nguồn ngoại tệ ròng này đã bù đắp gần 50% thâm hụt thương mại.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam xếp thứ 16 trong các quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất năm 2010. Tại Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 về nhận kiều hối, sau Philippines (khoảng 21,3 tỉ USD năm 2010)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên