Kim ngạch thương mại Campuchia-RCEP đạt trên 31 tỷ USD
VOV.VN - Kim ngạch thương mại giữa Campuchia và các thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tiếp tục tăng trưởng đáng kể bất chấp những khó khăn của nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế. Thực tế, tính từ tháng 01 đến hết tháng 11 năm 2024, tổng kim ngạch thương mại giữa Campuchia và RCEP đạt hơn 31,336 tỷ đôla, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu với báo giới hôm nay, ông Pen Sovicheat, Quốc vụ khanh kiêm phát ngôn viên của Bộ Thương mại nhấn mạnh, trong 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại giữa Campuchia với các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đạt hơn 31,336 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Campuchia sang thị trường RCEP đạt khoảng 8,255 tỷ USD, tăng hơn 14%, trong khi nhập khẩu đạt khoảng 23,111 tỷ USD, tăng hơn 19%.
Sự gia tăng kim ngạch thương mại giữa Campuchia và thị trường RCEP được quan chức cấp cao bộ Thương mại giải thích: Campuchia đã tăng cường xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực mới như: hạt điều, lốp xe và các sản phẩm giày dép,… Và tăng nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường RCEP trong thời gian gần đây như: vật liệu xây dựng, máy móc....
Theo người phát ngôn Bộ Thương mại, Campuchia đang tìm kiếm thêm cơ hội giao thương với thị trường RCEP, do thị trường này vẫn có nhiều lĩnh vực được hưởng mức thuế xuất khẩu bằng 0, trong khi các nhà xuất khẩu Campuchia vẫn có nhiều lựa chọn vì trong số các nước thành viên RCEP như: Trung Quốc, Hàn Quốc... đã có hiệp định thương mại tự do song phương với Campuchia.
Ông Pen Sovicheat nhấn mạnh, Bộ Thương mại vẫn coi lợi ích của hiệp định thương mại với RCEP là chìa khóa tăng trưởng cho nền kinh tế quốc gia, bởi ngoài quan hệ thương mại còn có các hợp tác khác như: hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực lao động kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, đầu tư…
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.