Kinh tế 7 tháng có sự phục hồi rõ nét
VOV.VN - “Tình hình kinh tế xã hội của nước ta trong 7 tháng qua tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong các ngành và nhiều lĩnh vực, từ đó tạo đà tăng trưởng cho các tháng, các quý tiếp theo”. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 8/2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng nay 15/8 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, thông tin về chuyên đề tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tình hình những tháng qua kinh tế - xã hội có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, cao hơn kịch bản cao nhất của Chính phủ tại Nghị quyết số 01 là 6%. Khu vực công nghiệp – xây dựng trở lại là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Xuất khẩu 7 tháng tăng 15,7% so với cùng kỳ, là điểm sáng của nền kinh tế; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng tích cực; cán cân thương mại duy trì mức xuất siêu cao, 7 tháng đạt 14,08 tỷ USD.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực này được quan tâm, chú trọng.
Mặc dù vậy, các động lực tăng trưởng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô tiềm ẩn rủi ro. Áp lực lạm phát còn lớn, cần được theo dõi sát để có giải pháp chủ động, kịp thời. Về những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ: “Khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, xử lý ngay các vướng mắc về thể chế pháp luật, thủ tục hành chính để đảm bảo tiến độ chất lượng và xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong tháng còn lại và trong thời gian tới. Tiếp tục đẩy mạnh làm mới 3 động lực tăng trưởng là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu, trong đó tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu trong nước”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu được Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin chuyên đề về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, Đảng, Nhà nước ta thực hiện nhất quán chủ trương đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống, nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.
Định hướng tuyên truyền thời gian tới, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, cần tuyên truyền kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2024). Tuyên truyền kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Tuyên truyền kết quả các hoạt động đối ngoại quan trọng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian tới.