Kinh tế nông thôn: 71% hộ dân không có khoản vay nào
VOV.VN - Phát triển sản xuất ở nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo nhưng việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính thức vẫn đang gặp khó khăn.
Báo cáo “Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam qua kết quả điều tra hộ gia đình nông thôn Việt Nam năm 2016 tại 12 tỉnh” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố sáng 7/11. Đại diện nhóm nghiên cứu UNU-WIDER cho biết, Báo cáo dựa trên mẫu điều tra 2.669 hộ gia đình ở các vùng nông thôn thuộc 12 tỉnh của Việt Nam.
Giáo sư Finn Tarp thuộc Trường Đại học Copenhagen, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER) cho biết, khi xem xét về tỷ lệ hộ nghèo, mức sống cũng như điều kiện kinh tế, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo phân theo chuẩn nghèo của Molisa tại 12 tỉnh của Việt Nam chiếm đến 16,2%. Trong đó, tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao thuộc về các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu và Điện Biên.
Giáo sư Finn Tarp thuộc Trường Đại học Copenhagen, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Trường Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER). |
Theo UNU-WIDER, tăng trưởng kinh tế bền vững trong thập kỷ vừa qua góp phần cải thiện đáng kể phúc lợi cho người dân Việt Nam. Xu thế này dựa trên sự tăng trưởng của thu nhập trung bình trên 12 tỉnh năm 2016, trong đó nhiều hộ nghèo nhận được sự sự hỗ trợ và dịch vụ của Chính phủ đã giúp họ thoát khỏi tình trạng nghèo đói.
Tuy nhiên, UNU-WIDER cũng chỉ rõ, thành quả kinh tế của Việt Nam không được phân phối đồng đều giữa các hộ gia đình nông thôn. Cụ thể là có sự chênh lệch lớn về phúc lợi và việc tiếp cận các nguồn lực giữa các nhóm dân tộc vẫn tiếp tục tồn tại trong năm 2016. Các hộ gia đình ở vùng núi phía Bắc (Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu) vẫn tiếp tục tụt hậu ở một số chỉ tiêu về phúc lợi và nông dân ở các tỉnh phía Bắc vẫn ít theo hướng thương mại hơn các tỉnh phía Nam.
Vấn có sự tồn tại về chênh lệch phúc lợi giữa các nhóm dân tộc, các hộ thiểu số có thu nhập thấp hơn, hoạt động kinh doanh kém phát triển hơn và thường xuyên phải đối mặt với các cú sốc và rất khó khăn trong việc ứng phó và mức tiết kiệm cũng thấp hơn. Khoảng cách về các kết quả phúc lợi giữa người nghèo nhất và người giàu nhất vẫn còn rất lớn.
Đặc biệt, hộ kinh doanh cá thể là một cấu phần quan trọng đối với sinh kế tại khu vực nông thôn Việt Nam, dù không chiểm tỷ trọng lớn trong thu nhập nhưng lại là nơi tiếp nhận nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp ở nông thôn là doanh nghiệp nhỏ, ít lao động và thường là hoạt động phi chính thức.
Tuy nhiên, việc tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng chính thức - công cụ quan trọng giúp xóa đói giảm nghèo cho các hộ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất vẫn đang gặp khó khăn. Trong khi có 28% hộ gia đình có ít nhất 1 khoản vay thì lại có hơn 71% không có khoản vay nào.
Hộ nông dân cần được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn
Để đảm bảo những thành tựu về kinh tế được chia sẻ đồng đều, nhóm UNU-WIDER cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần đặt trọng tâm chính vào việc thu hẹp các khoảng cách chênh lệch trong những năm tới. Việc giải quyết những bất bình đẳng này phải đảm bảo rằng nhóm hộ nghèo và dễ bị tổn thương nhất không bị bỏ lại phía sau và tiếp tục là những vấn đề trọng tâm.
“Các nhà làm chính sách cần tránh phụ thuộc vào các chính sáng mang tính “thẩm thấu” mà thay vào đó cần đặt trọng tâm vào các can thiệp với mục tiêu rõ ràng, hướng đến tăng cường phúc lợi của các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất”, đại diện nhóm UNU-WIDER khuyến nghị.
Chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề tiếp cận nguồn tín dụng của các hộ nông thôn, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, muốn cho các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn thì chính các hộ nông dân phải hành động, không chỉ quanh năm sản xuất với mảnh ruộng và một số vật nuôi.
“Việc cho vay vốn không chỉ để giải quyết một số sự vụ để xóa đói giảm nghèo. Vay vốn và để tạo ra sức sản xuất hàng hóa lớn trong nông nghiệp với sự chuyên môn hóa. Chính vì thế, nghề làm nông nghiệp phải được công nhận như những nghề nghiệp khác. Muốn làm được như vậy, nông nghiệp phải được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa giúp đỡ những hộ nông dân có năng lực phát triển thành các hộ sản xuất lớn, khi đó mới phát triển được nhu cầu đầu tư vốn vào nông nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
“Các tổ chức xã hội cần phải gần gũi hơn và hiểu thấu đáo nhiều hơn đối với các hộ nghèo cũng như những mong muốn và nhu cầu của họ. Cần có các hướng dẫn để cho người nông dân sử dụng khoản vay tín dụng hiệu quả hơn. Cần có sự bắc cầu giữa các nhà tín dụng với các hộ nông dân nghèo và các tổ chức xã hội chính là người làm cầu nối cho việc tiếp cận đó”, TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý./.
Bình quân khoảng 70 hộ dân nông thôn Việt Nam có 1 chiếc ô tô