Kinh tế suy giảm, tranh chấp thương mại sẽ gia tăng
Nguy cơ xảy ra nhiều dạng tranh chấp như: giữa quốc gia với quốc gia, giữa quốc gia với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
- Việt Nam cần đổi mới phương thức xuất khẩu
- Lại nổ ra tranh chấp thương mại Mỹ - Trung
- Doanh nghiệp cần chủ động
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, các tác động chính của khủng hoảng kinh tế đối với nền kinh tế Việt Nam bao gồm: sự suy giảm xuất khẩu do giảm thu nhập, giảm cầu ở thị trường nước ngoài; giảm vốn FDI và đầu tư portfolio; giảm tăng trưởng kinh tế; giảm kiều hối…
Các yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp và các khó khăn khác đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và mọi ngành hàng. Từ đó, các nguy cơ dẫn đến tranh chấp trên các phương diện của nền kinh tế từ đầu tư, thương mại cho đến cả đời sống hằng ngày.
Đa dạng tranh chấp có thể xảy ra
TS Nguyễn Đình Cung đặc biệt nhấn mạnh rằng, kinh tế thế giới thời gian qua phục hồi không chắc chắn, có dấu hiệu suy giảm. Dự báo 6 tháng tiếp theo sẽ xấu hơn, trong đó khu vực châu Âu chưa có lối thoát, còn Mỹ, Trung Quốc đã phải dừng nhiều nhà máy sản xuất.
Chế biến cá tra xuất khẩu (Ảnh: KT) |
Thực tế này có thể sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù kinh tế thế giới có nhiều suy giảm, thu nhập giảm, nhu cầu ở thị trường nước ngoài cũng giảm nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tiếp tục tăng (trong 6 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu vẫn tăng 20%), trong khi nhiều nước đã giảm. Điều này chứng tỏ cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân này, TS Cung cho rằng, nhờ 2 yếu tố quan trọng là: xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm hơn 50%; xuất khẩu là một trong chuỗi giá trị. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là nông sản, gia công… đây là nhóm hàng không sợ nhạy cảm nhiều.
Tuy nhiên, đầu tư xã hội giảm mạnh, FDI cam kết giảm liên tục, khoảng hơn 100 tỷ USD chưa giải ngân. Đồng thời, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng giảm đáng kể. Nếu như quý I và II/2011 lần lượt đạt 5,6 - 5,7% thì sang quý I/2012 còn 4,0% và quý II/2012 được dự báo chỉ ở mức 4,5%.
Những tác động khó lường này, bên cạnh cản trở tốc độ phát triển kinh tế, TS Cung cho rằng, có nguy cơ sẽ phát sinh một số tranh chấp. Đó là FDI không thực hiện, thực hiện dang dở (từ 2007 đến nay, còn khoảng 100 tỷ USD cam kết, chưa giải ngân). Tranh chấp sẽ nằm ở chỗ một số dự án hủy bỏ, đình hoãn, rút giấy phép…nên phải xử lý đất đã giao, đã cấp cho các dự án này. Khi đó, vấn đề phát sinh chủ yếu giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư; chính quyền, nhà đầu tư và nông dân; Trong số các dự án nói trên, có thể có dự án đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác. Vấn đề có thể còn phức tạp hơn.
Các doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa; chủ sở hữu và người quản lý bỏ về nước; tranh chấp phát sinh với người lao động, chủ nợ và các bên liên quan.
Về thị trường xuất khẩu, buôn bán với người Trung Quốc là quan trọng, nhưng thiếu minh bạch và ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhiều bài học cứ lặp đi lặp lại mà vẫn “chưa thuộc bài”.
Đồng thời, tranh chấp còn xảy ra khi không trả được nợ ngân hàng, bạn bè, người thân; Không vay được vốn, không bán được hàng, chiếm dụng vốn lẫn nhau; nghi kỵ lẫn nhau; đối phó hơn là hợp tác với nhau.
Nợ xấu tăng; thế chấp hầu hết là đất đai, xử lý nợ xấu liên quan đến xử lý tài sản thế chấp: đây sẽ là việc phức tạp về pháp lý và nguy cơ tranh chấp có lẽ rất lớn.
Từ những dự báo nguy cơ tranh chấp đó, TS Cung chỉ ra các dạng tranh chấp cụ thể sẽ là: Tranh chấp giữa quốc gia với quốc gia (liên quan đến các hiệp định và các cam kết khi gia nhập WTO); Tranh chấp giữa quốc gia với doanh nghiệp (các vụ kiện thương mại quốc tế, các vụ kiện về đầu tư giữa Nhà đầu tư và Quốc gia nhận đầu tư, các vụ kiện hành chính); Tranh chấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Cần chuyên nghiệp trong xử lý tranh chấp thương mại
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cũng đánh giá: Tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến tình trạng không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch thương mại. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến các tranh chấp về hợp đồng, tranh chấp trong nội bộ công ty.
“Để giải quyết các tranh chấp này, doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức thương lượng, trung gian hoà giải, trọng tài hoặc toà án tuỳ thuộc vào các yếu tố như lợi ích kinh tế mà các bên đạt được, khả năng duy trì quan hệ hợp tác giữa các bên, khả năng giải quyết tranh chấp chính xác, nhanh chóng, khách quan, khả năng thi hành kết quả giải quyết tranh chấp và khả năng giữ uy tín kinh doanh, bí mật kinh doanh”- TS Hiếu cho hay.
Trong mỗi cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại nêu trên đều có những thế mạnh và hạn chế riêng. Với bề dày kinh nghiệm trong việc giải quyết tranh chấp, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu đưa ra một số giải pháp phòng ngừa tranh chấp. Đó là cần tránh để xảy ra hợp đồng xác lập không đúng luật nên bị vô hiệu (từng phần hoặc toàn bộ);
Nội dung hợp đồng không chặt chẽ nên tiềm ẩn nguy cơ bị vi phạm và khi bị vi phạm thì không bảo vệ được quyền lợi của bên vi phạm; Không biết cách xử lý khi có hành vi vi phạm xảy ra; Thỏa thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp không đúng nên khó thực hiện; Hết thời hiệu khởi kiện nên không khởi kiện được tại Tòa án hoặc trọng tài; Không biết tạo dựng và lưu giữ những chứng cứ liên quan đến vụ việc nên khó thực hiện nghĩa vụ chứng minh.
Còn Luật sư Lưu Tiến Dũng, Luật sư thành viên của Công ty Luật hợp danh YKVN cũng đặc biệt lưu ý 3 sai lầm trong giải quyết tranh chấp thương mại. Đó là: Thờ ơ với điều khoản giải quyết tranh chấp khi soạn thảo, ký kết hợp đồng; Xuề xòa với đối tác trong quá trình thực hiện hợp đồng; Chậm chạp phản ứng khi tranh chấp.
Về nguyên nhân của những sai lầm trên, Luật sư Dũng chỉ ra: Do không coi trọng tư vấn pháp lý từ khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, khi có vấn đề phát sinh và khi tranh chấp xảy ra; Không chọn đúng luật sư có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp; Không có chiến lược giải quyết tranh chấp mang tính tổng thể, toàn diện và chi tiết.
Từ đó, Luật sư Dũng khuyến nghị, các chủ thể tham gia hợp đồng thương mại nên thay đổi nhận thức về nhu cầu dịch vụ tư vấn pháp lý trong giải quyết tranh chấp; Cân nhắc kỹ cơ chế giải quyết tranh chấp (Trọng tài hay Tòa án) để lựa chọn; Đề cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của luật sư- hạn chế sự lệ thuộc vào mối quan hệ vào cơ quan giải quyết tranh chấp./.