Kinh tế tập thể giúp người dân không quá lo lắng đầu ra nông sản
VOV.VN - Những năm trở lại đây, kinh tế tập thể ở Đắk Lắk đã thể hiện tốt vai trò của mình khi ngày càng chủ động trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Những năm trở lại đây, kinh tế tập thể ở Đắk Lắk đã thể hiện tốt vai trò của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh, khi ngày càng chủ động trong sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hợp tác xã, tổ hợp tác hay nhóm liên kết đang được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh, tạo nên giá trị gia tăng cao và bền vững cho nông nghiệp địa phương.
Trước đây, các hộ chăn nuôi gà ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nên thường xảy ra tình trạng bị các thương lái ép giá. Mặt khác do không có kỹ thuật mà chỉ dựa vào kinh nghiệm nên đàn gà hay dịch bệnh dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Trước khó khăn đó, các hộ chăn nuôi có cùng chí hướng đã thành lập nên tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn Minh Hạnh, nay đã phát triển lên thành Hợp tác xã với 7 thành viên.
Các loại gà “tuyển” được ông Khương cho lai tạo, nhân đàn – Ảnh: Ngọc Quyền/Tin Tây Nguyên |
Tại đây các hộ học hỏi trao đổi kinh nghiệm nên chăn nuôi có bước phát triển hơn. Các thành viên còn được tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi gà, nắm bắt được nhiều kiến thức trong chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Điều này hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên. Sau mỗi đợt nuôi, các thành viên lại cùng nhau rút kinh nghiệm, chia sẻ những điều mình học hỏi được qua thực tế…
Bà Lê Thị Huệ, thành viên Hợp tác xã nuôi gà thả vườn Minh Hạnh, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: “Tham gia hợp tác xã các thành viên hỗ trợ nhau về kỹ thuật chăn nuôi. Khi gà ốm, gà bệnh có cán bộ thú y xuống hỗ trợ. Ngoài ra mình còn được hỗ trợ về con giống, về cám khi là thành viên hợp tác xã”.
Không chỉ liên kết hỗ trợ nhau về kỹ thuật, thời gian gần đây, hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã có nhiều khởi sắc, một số hợp tác xã đã tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, chuyển từ bán nguyên liệu cho doanh nghiệp sang tự chế biến, quan tâm đến bao bì sản phẩm và marketing.
Ông Bùi Văn Hùng, Thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến, Xã Quảng Hiệp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk cho biết: “Khi là thành viên hợp tác xã tôi bán sản phẩm ra dễ xuất khẩu khi tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, áp dụng phân bón hữu cơ theo tiêu chuẩn oganic. Từ đó tôi rất trọng tâm vào nội dung này để cùng chung tay với hợp tác xã tìm kiếm thị trường”
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 đối với tiêu chí 13 - tổ chức sản xuất, bao gồm 2 tiểu tiêu chí là xã có hợp tác xã hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.
Để đảm bảo thực hiện đạt tiêu chí này trong xây dựng xã nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đang quan tâm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng cường liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chuỗi giá trị.
Ông Hứa Quang Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Ea Siên, Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk khẳng định: “Thực hiện chủ trương về kinh tế hợp tác Đảng uỷ chúng tôi xác định khuyến khích bà con thành lập nhóm, rồi thành lập tổ, thành lập hợp tác xã phát triển một cách bền vững. Để hỗ trợ cho bà con, chúng tôi liên hệ với các công ty tổ chức các hội thảo, hỗ trợ chủ yếu về mặt kiến thức, thăm các mô hình chính từ bà con phát triển lên thì mới bền vững được”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 270 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm gần 60% tổng số hợp tác xã của tỉnh. Thực tế cho thấy, đa số bộ máy quản lý hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi còn lúng túng trong hoạt động và xây dựng phương án kinh doanh; phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp có quy mô nhỏ thông qua mức góp vốn thấp, diện tích sản xuất nhỏ, manh mún và còn nhiều hợp tác xã chưa đăng ký thương hiệu sản phẩm, năng lực hạn chế nên dễ gặp rủi ro, tổn thất do thiên tai và giá cả thị trường biến động…
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, để nâng cao năng lực cho các HTX, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đi đôi với thực hiện tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
“Tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và liên kết sản xuất, hình thành các tổ chức của người nông dân đây là vấn đề quan trọng để đảm bảo cho sản xuất bền vững, hiệu quả, có thể kết nối với doanh nghiệp với thị trường. Thứ 2, phải tiếp tục trên nền tảng các đề án chương trình, mô hình công nghệ cao, nhân rộng phát triển để các sản phẩm tạo ra năng xuất chất lượng cao hơn” - ông Nguyễn Hoài Dương nhận định.
Đắk Lắk xác định sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo quy mô lớn để có nguồn cung nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu, liên kết trong sản xuất là xu hướng tất yếu hiện nay. Do đó, không chỉ có nông dân, Đắk Lắk đang cố gắng kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực thị trường, đảm bảo ổn định đầu ra và giá trị gia tăng của nông sản, góp phần vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp vào GDP còn khiêm tốn