Kinh tế toàn cầu năm 2017 qua các biểu đồ
Năm 2017 ghi dấu ấn các kỷ lục của thị trường chứng khoán, những đợt nâng lãi của ngân hàng trung ương và biến động giá Bitcoin.
Dù vậy, 2017 không hẳn là một năm toàn màu hồng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn đang tiếp tục thắt chặt tiền tệ. Ngân hàng trung ương Anh đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm. Còn Bitcoin liên tục khiến nhà đầu tư thót tim vì tăng giảm quá mạnh.
Dưới đây là những biểu đồ thể hiện bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm qua:
1. Chỉ số DJIA tăng tới 25% năm 2017
Chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh trong năm qua. Chỉ số DJIA tăng tới 25% năm nay - mạnh nhất kể từ năm 2013. Hai chỉ số lớn khác của Wall Street cũng không thua kém. S&P 500 đã tăng 20%, còn Nasdaq tăng tới 30%.
S&P 500 thậm chí chưa có phiên nào giảm tới 3% kể từ trước bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là khoảng thời gian dài kỷ lục. Sự bình tĩnh trên thị trường đã khiến chỉ số đo biến động VIX thấp nhất mọi thời đại.
Đà tăng này được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố - tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp tốt, cùng tâm lý hào hứng với kế hoạch cải tổ thuế của đảng Cộng hòa. Việc giảm thuế doanh nghiệp và bổ sung các quy định khuyến khích chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về có thể tạo ra làn sóng mua lại cổ phiếu, khiến cổ phiếu có thể còn hấp dẫn hơn nữa.
2. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã nâng lãi suất sau 10 năm
Đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ. Theo đó, lãi suất tham chiếu sẽ được nâng từ 0,25% lên 0,5%.
Trước đó, giai đoạn 2007 - 2009, BOE đã hạ lãi suất rất mạnh tay để giúp Anh đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dù vậy, 7 năm sau đó, họ vẫn duy trì lãi này ở mức 0,5%. Đến tháng 8 năm ngoái, BOE đột ngột hạ xuống 0,25%, nhằm xoa dịu nền kinh tế sau cuộc bỏ phiếu chọn rời EU cuối tháng 6.
Vì vậy, động thái nâng lãi tháng trước được đánh giá có ý nghĩa quan trọng. Giới chức BOE còn ám chỉ có thể nâng thêm 2 lần nữa, vào cuối năm tới và năm 2020, nếu kinh tế Anh vẫn ổn định trước Brexit.
3. Sức tăng phi mã của Bitcoin
Câu chuyện tài chính lớn nhất năm nay có lẽ là sức tăng phi mã của Bitcoin. Được tạo ra năm 2009 trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng phải đến năm 2017, Bitcoin mới thực sự bùng nổ.
Ngày 1/1, giá tiền kỹ thuật số này chỉ là gần 1.000 USD một đồng. Nhưng đến cuối năm, con số này có lúc tăng tới gần 20 lần, khi nhà đầu tư trên khắp thế giới ồ ạt đổ tiền vào Bitcoin.
Bitcoin đã gây ra sự chia rẽ lớn giữa các định chế tài chính truyền thống và những người ủng hộ tiền kỹ thuật số. Một bên cho rằng Bitcoin không có giá trị. Còn bên kia khẳng định Bitcoin và công nghệ đằng sau nó (khối chuỗi) sẽ thay đổi vĩnh viễn cách nền kinh tế thế giới vận hành.
4. Tín dụng tại các ngành phi tài chính ở Trung Quốc giai đoạn 1986 - 2017
Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc từ lâu đã được hỗ trợ phần lớn bởi hoạt động vay nợ. Rất nhiều nhà kinh tế học cho rằng mô hình tăng trưởng này đã bắt đầu thể hiện sự không bền vững.
Một báo cáo tháng này của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy việc khối nợ của Trung Quốc phình to và quá phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng đang là mối đe dọa lớn với ổn định tài chính toàn cầu. Nó còn có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kế tiếp. Đầu tuần trước, Deutsche Bank còn nhận định Trung Quốc có khả năng rơi vào khủng hoảng tài chính cao gấp đôi bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới hiện nay.
5. Tài sản quản lý bởi các ETF và ETP toàn cầu (tỷ USD)
Nhà đầu tư đang ngày càng tìm đến các quỹ đầu tư theo chỉ số. Năm 2017, thị trường có các quỹ ETF với gần như mọi loại tài sản, từ trái phiếu chính phủ Đức đến vàng. Tổng giá trị của thị trường này giờ đã vượt 4.000 tỷ USD.
Nhà đầu tư ngày càng chuộng hình thức đầu tư bị động này, do tình hình vài năm gần đây khá ổn định, ETF có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn là chỉ đầu tư vào tài sản thông thường. Các quỹ quản lý tài sản thì lại có mức phí cao hơn ETF. Tính từ năm 2008, quy mô thị trường WTF toàn cầu đã tăng gấp 5.
5. Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương
Ngân hàng trung ương toàn cầu đang dần giảm các biện pháp nới lỏng tiền tệ - đặc trưng bởi lãi suất thấp kỷ lục và chương trình mua lại trái phiếu đã bơm 14.000 tỷ USD vào thị trường tài chính.
Fed đã nâng lãi suất 3 lần trong năm qua và thu hẹp đáng kể bảng cân đối kế toán. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng lên kế hoạch giảm nửa số trái phiếu mua lại hàng tháng xuống 30 tỷ euro từ tháng 1 năm sau. Morgan Stanley dự báo năm tới, hoạt động mua lại trái phiếu của các ngân hàng trung ương sẽ xuống thấp nhất kể từ 2010.
Các ngân hàng trung ương, dẫn đầu bởi Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, là những tổ chức mua trái phiếu mạnh tay nhất từ khủng hoảng tài chính. Việc này đã đẩy nhà đầu tư truyền thống tìm đến các tài sản rủi ro hơn và thúc đẩy cho vay, từ đó vực dậy hoạt động kinh tế./.
10 doanh nhân trẻ Việt Nam nhận Giải thưởng Sao Đỏ 2017
Những kỷ lục kinh tế ấn tượng năm 2017