Kinh tế Việt Nam: Dấu hiệu phục hồi - cơ hội đầu tư 2025
VOV.VN - Cùng với 3 chân kiềng kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi xanh đã và đang được thúc đẩy mạnh mẽ, cho thấy tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2024 có khả năng đạt trên 7,2%.
Tạo đà cho tăng tưởng kinh tế năm 2025 có thể mục tiêu 8% như Chính phủ đặt ra. Cơ hội cho đầu tư là rất thực. Đó là nhận định của các chuyên gia, nhà phân tích tại hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội” do báo Đầu tư tổ chức hôm nay (12/12/2024).
Nhìn lại bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam gần một năm qua, TS. Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh tới sự bứt phá của ba chân kiềng kinh tế truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng cùng với sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong suốt những năm vừa qua và 11 tháng qua.
"Thứ nhất là sự điều hành quyết liệt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt của Chính phủ chúng ta có các phiên họp thường kỳ hàng tháng và đưa ra những Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cũng như là quyết tâm của việc giải ngân vốn đầu tư công. Và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng rất mạnh, một mặt là nhờ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, và chúng ta cũng nhìn thấy nhu cầu của thế giới cũng tăng mạnh; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng mạnh - trong 11 tháng, giải ngân vốn FDI vào Việt Nam đạt trên 21 tỷ USD là con số cực kỳ lớn. Một điểm nữa chúng ta nói nhiều đến việc khu vực doanh nghiệp của chúng ta khó khăn, đúng là khó khăn thật, nhưng mức độ tỷ lệ giữa DN rút lui khỏi thị trường và tỷ lệ đăng ký thành lập mới 11 tháng so với 9 tháng đã giảm đi nhiều…" - TS. Lương Văn Khôi nói.
Theo phân tích của TS Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ Tịch Hội Môi Giới Bất Động Sản Việt Nam (VARS), bất động sản chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế và tác động rất nhiều tới các ngành, lĩnh vực. Thị trường bất động sản Việt Nam liên quan đến 6 nhóm yếu tố quan trọng, bao gồm: thể chế, kinh tế vĩ mô, hệ thống quy hoạch và hạ tầng cơ sở, tài chính, thị trường, và hệ thống thông tin trên thị trường. Dự báo Việt Nam sẽ bước vào một chu kỳ mới trong 2025.
Mặc dù nhiều khó khăn nhưng nhờ sự điều hành ngày càng uyển chuyển, linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ thời gian qua, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng năm 2025 kinh tế Việt Nam sẽ đạt được các kết quả như kỳ vọng, nhất là môi trường đầu tư kinh doanh sẽ được cải thiện: "Chúng ta đang tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu quả hiệu lực của quản lý nhà nước, điều tiết các vấn đề hoạt động kinh tế, hoạt động vĩ mô… thì chúng tôi cho rằng là thể chế của chúng ta chắc chắn trong năm 2025 sẽ đón nhận chất lượng rất tốt, và như vậy rõ ràng là nó tác động rất tốt đến hoạt động kinh tế nói chung và trong đó có hoạt động về phát triển của thị trường bất động sản…".
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu - 2024 là năm đầy biến động và thách thức với Việt Nam. Những thách thức này sẽ còn tiếp tục trong năm 2025, nhất là đối với hoạt động xuất khẩu, song Việt Nam tiếp tục có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư đầu tư nước ngoài, từ các công ty của Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn: "Trong năm tới tôi nghĩ rằng đầu tư của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, ngoại thương của Việt Nam có thể có khó khăn với Mỹ nhưng mà vẫn có những tiềm năng tại châu Âu…".
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Trước những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản.
Trong năm 2025, cùng với tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi xanh, Việt Nam cần thu hút đầu tư vào các động lực tăng trưởng truyền thống, trong đó, cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông lâm thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cần sử dụng tốt hơn nguồn vốn đầu tư từ nhà nước để thực sự là nguồn vốn mồi dẫn dắt đầu tư tư nhân, giúp cho cho nền kinh tế tăng trưởng như kỳ vọng...