Kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế
Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
- Khánh thành đường nối Vị Thanh – Cần Thơ
- Gặp gỡ địa phương và ngoại giao đoàn tại Cần Thơ
- ĐBSCL có lợi thế về xuất khẩu trứng vịt muối
- Làm sao để phát triển nhanh và bền vững ĐBSCL?
Sáng nay (25/5), tại Thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức Hội thảo “Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu là nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến từ nhiều bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 22% GDP của cả nước |
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là một bộ phận của châu thổ sông Mekong với tổng diện tích tự nhiên khoảng 39.734 km2, gồm 13 tỉnh, thành với dân số hơn 17 triệu người. Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí địa lý thuận lợi nằm ven biển đông và là vùng đất giàu tiềm năng có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế, xã hội quốc phòng, an ninh; nguồn lao động trẻ, dồi dào…
Sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ, Giải pháp phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001- 2010”, mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 22% GDP của cả nước, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của quốc gia trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và thủy sản, là vùng sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, 52% sản lượng thủy sản của cả nước.
Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tuy đạt được những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng nhìn tổng thể, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế, tồn tại yếu kém, như cơ sở hạ tầng vẫn chưa đồng bộ, công tác qui hoạch vùng, qui hoạch tổng thể thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, qui mô các doanh nghiệp còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng .
Phát biểu tại hội thảo, PGS,TS Phạm Thanh Bình- Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng: để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, cần phải có cơ sở khoa học cho việc xây dựng một kế hoạch chiến lược tổng thể, toàn diện trong bối cảnh biến đổi toàn cầu, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng phục vụ phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS, TS Phạm Thanh Bình nhấn mạnh: “Trong quá trình phát tiển bền vững này, đặc biệt đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Hai vấn đề đặt ra lại là về Giáo dục đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, là nền tảng cho sự phát triển bền vững, để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải trở thành vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế giàu mạnh, các mặt văn hóa tiến kịp chung với cả nước đảm bảo chính trị, an ninh, quốc phòng vững chắc.”./.