Kon Tum: Bao giờ dự án nhà máy bột giấy hết nằm trên giấy?

VOV.VN - Sau hai lần khởi công, địa điểm xây dựng nhà máy bột giấy ở Kon Tum vẫn là khu đất để hoang với nhà xưởng xây dựng dở dang.

Cách đây 16 năm dự án nhà máy sản xuất bột giấy quy mô lớn nhóm A với công suất giai đoạn đầu 130.000 tấn/ năm được triển khai xây dựng trên diện tích 157 ha tại thị trấn Đắc Tô, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Thế nhưng không như kỳ vọng ban đầu, đến nay sau hai lần khởi công, địa điểm xây dựng nhà máy vẫn là khu đất để hoang với nhà xưởng xây dựng dở dang, đống dây chuyền máy móc thiết bị đã qua sử dụng mua từ nước ngoài ngày càng xuống cấp.

Các chuyên gia đánh giá lại hiện trạng dây chuyền thiết bị

Đây là ví dụ điển hình về quyết định đầu tư sai dẫn tới lãng phí, có cả thất thoát. 16 năm trước, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có bài cảnh báo rằng, dự án này có thể chỉ nằm trên giấy!  Đến bây giờ điều đó đã hiển hiện.

Năm 2009, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai tiếp quản dự án Nhà máy sản xuất bột giấy ở thị trấn Đắc Tô, huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum. Dự án này trước đó được Tổng Công ty Giấy Việt Nam triển khai từ năm 2000 và đã hoàn thành việc san ủi mặt bằng trên diện tích 157 ha rồi bỏ hoang.

Để đánh dấu cho sự kiện hồi sinh một dự án được doanh nghiệp, chính quyền và người dân địa phương đặt nhiều kỳ vọng, một lễ động thổ quy mô hoành tráng đã lại được tổ chức vào đầu năm 2010. Để đạt mục tiêu giai đoạn 1 đến năm 2011 hoàn thành việc đầu tư dây chuyền sản xuất bột giấy công suất 130.000 tấn/ năm và đến năm 2012 hoàn thành đầu tư dây chuyền sản xuất giấy in và giấy viết cao cấp, công suất 200.000 tấn/ năm, nhiều tiền của đã được đổ vào dự án này. Thế nhưng đến nay việc dự án Nhà máy bột giấy và Giấy Tân Mai Kon Tum vẫn chưa thể hoạt động đang kéo theo nhiều hệ lụy.

Ông Bùi Tiến Lý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Đắc Tô cho biết, tội nhất là hàng trăm con em được dự án tuyển đi học rồi về không có việc làm.

Dây chuyền thiết bị đã qua sử dụng được Công ty mua lại từ nước ngoài

Bên cạnh đó, việc dự án sản xuất bột giấy quy mô lớn, nhóm A sau 16 năm triển khai vẫn “bất động” đã ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Kon Tum.

Theo UBND tỉnh Kon Tum, mục tiêu khi dự án đi vào sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.800 lao động; từ năm 2012 đến năm 2020 mỗi năm trồng mới trên 4.700ha rừng; rồi mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương... đều đã phá sản.

Ông Cao Trung Tin, Chủ tịch UBND huyện Đắc Tô, địa phương nơi dự án triển khai xây dựng nhà máy cho biết: "16 năm rồi nhà máy vẫn chưa xong. Chậm như vậy thì ảnh hưởng rất lớn đến việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội bởi vì huyện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, 10 năm đều tính đến việc chuyển dịch cơ cấu lao động cũng như là chuyển dịch những ngành nghề sản xuất của nhân dân hướng về việc có nhà máy ra đời trên địa bàn. Cho nên khi nhà máy chưa hình thành, chưa ra đời thì nó phá vỡ quy hoạch chung của huyện. Mong muốn nhất của địa phương là sắp đến doanh nghiệp có triển khai thì chắc chắn có thời gian để hoàn thành còn nếu không thì báo cáo với cơ quan có thẩm quyền dừng dự án lại để địa phương có tính toán riêng trong việc phát triển kinh tế xã hội."

Mấu chốt của việc dự án Nhá máy bột giấy và Giấy Tân Mai Kon Tum chậm tiến độ là việc ngày 26/3/2009, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai ký hợp đồng mua bán thiết bị và dịch vụ lắp đặt dây chuyền sản xuất bột giấy đã qua sử dụng với Công ty Euro Consult của Ba Lan. Thế nhưng nhà thầu này không hoàn thành đúng các mốc tiến độ cung cấp thiết bị bổ sung và thiết kế nên Công ty phải chấm dứt hợp đồng với đối tác.

Để tiếp tục triển khai dự án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu mà không qua đấu thầu rộng rãi. Điều này đã không được chấp nhận vì dự án vay vốn tín dụng đầu tư Nhà nước 68,4% trên tổng mức đầu tư nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu thầu.

Một hạng mục của nhà máy thi công dở dang  

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai cũng bị tuýt còi về việc mua dây chuyền thiết bị, máy móc đã qua sử dụng với đối tác nước ngoài chứa nhiều rủi ro, không phản ánh được đầy đủ tương thích của dây chuyền, không thể hiện rõ hiệu quả tài chính. Sau thời gian gần 6 năm án binh bất động, mới đây trong nỗ lực tái khởi động lại dự án, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã thuê chuyên gia nước ngoài kiểm toán lại hiện trạng lô thiết bị, đồng thời  lên kế hoạch cho việc lắp đặt dây chuyền giờ được điều chỉnh công suất xuống còn 70.000 tấn bột giấy/ năm.

Theo ông Ninh Đức Yên, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên, thiết bị trước khi nhập về Việt Nam còn khoảng 80% về mặt kỹ thuật. Thiết bị ngành giấy chủ yếu là điện, ống, máy nghiền, mà quan trọng nhất đối với nhà máy bột là máy nghiền. Cái gì mà còn thiếu ở Việt Nam thì vẫn có thể thay thế được.

Mặc dù luôn đưa ra những khẳng định về chất lượng, hiệu quả của dây chuyền thiết bị sản xuất bột giấy đã qua sử dụng được mua về từ New Zealand và Phần Lan, song lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai Tây Nguyên (chủ dự án) cũng cho rằng nếu càng để lâu, các thiết bị của dây chuyền sẽ càng xuống cấp nhất là các thiết bị điện.

Trong khi đó nếu mọi việc thuận lợi cũng phải đến tháng 1 năm 2017 Công ty mới bắt đầu được việc lắp ráp dây chuyền và sớm nhất đến cuối năm 2018 nhà máy mới có thể đi vào hoạt động. Có một thực tế, đó là cùng với những hệ lụy gây ra đối với địa phương, việc chậm trễ trong thực hiện dự án Nhà máy bột giấy và Giấy Tân Mai Kon Tum cũng đang khiến tổng mức đầu tư của dự án có thể đội lên cả nghìn tỷ đồng trong khi hiệu quả hoạt động vẫn là điều còn chưa chắc chắn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ Công Thương đề xuất dừng dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man
Bộ Công Thương đề xuất dừng dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man

Bộ Công Thương dự kiến đề nghị Chính phủ dừng, không cho phép triển khai Dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang.

Bộ Công Thương đề xuất dừng dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man

Bộ Công Thương đề xuất dừng dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man

Bộ Công Thương dự kiến đề nghị Chính phủ dừng, không cho phép triển khai Dự án Nhà máy bột giấy Lee & Man tại tỉnh Hậu Giang.