Kỳ 1: Độc quyền xăng dầu- hệ quả của cơ chế bất cập

VOVNews đăng nguyên văn 3 kỳ của phóng sự “Độc quyền xăng dầu – Hệ quả của cơ chế bất cập” của tác giả Phạm Nguyên Long, hệ VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam), tác phẩm đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc năm 2009

Sau một năm vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước (theo quyết định số 79/QĐ-BTC ban hành ngày 16/9/2008), mặt hàng này vẫn bị coi là “độc quyền”, với cơ chế xin - cho, kể cả việc xin giảm giá vẫn phải chờ… cho phép! Nguyên nhân do đâu? Và lời giải nào cho bài toán thị trường xăng dầu ở nước ta?

Độc quyền định giá

Xăng, dầu là mặt hàng có tầm quan trọng đặc biệt trong nền kinh tế quốc dân. Giá cả của nó ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế xã hội. Vì thế, trong suốt nhiều năm qua, nhà nước đã can thiệp trực tiếp vào quá trình hình thành giá mặt hàng này ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, lộ trình thị trường hóa mặt hàng xăng, dầu cũng đã được tính đến từ năm 2003.

Bằng chứng là việc Chính phủ đã ban hành Quyết định 187 (ngày 15/9/2003) về quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu, cho phép doanh nghiệp (DN) được điều chỉnh giá bán trong phạm vi 5% đối với dầu, 10% đối với xăng - trong khung giá định hướng do nhà nước xác định. Sau đó, Nghị định số 55 của Chính phủ quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam được ban hành (ngày 06/4/2007) - thay thế QĐ 187 - đã quyết định đưa mặt hàng xăng theo giá thị trường và kể từ ngày 16/9/2008 là chấm dứt bù lỗ tất cả các mặt hàng dầu - để vận hành kinh doanh xăng, dầu theo cơ chế giá thị trường theo Quyết định 79 về Cơ chế quản lý điều hành giá xăng dầu.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu mối được căn cứ vào giá nhập khẩu, thuế, phí, lợi nhuận để tính toán mức giá cụ thể đến tay người tiêu dùng. Và, kể từ đây, diễn biến giá xăng dầu trong nước sẽ tuân theo diễn biến chung của thế giới, chấm dứt bù lỗ. Việc can thiệp của Nhà nước sẽ hạn chế trong một số trường hợp cụ thể, cấp bách.

Thế nhưng cho đến nay các doanh nghiệp vẫn không có thực quyền về xác định giá bán như các văn bản đã quy định. Ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng công ty xăng dầu quân đội bức xúc nói: “Cái chưa được lớn nhất là Nhà nước đã can thiệp sâu và có tính sự vụ vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là 2 lĩnh vực giá và thuế. Giá thì từ chỗ quyết định hoàn toàn, đến lúc cho doanh nghiệp tự quyết định trong một cái khung nhất định, nhưng đó là văn bản, cuối cùng vẫn là nhà nước quyết định…”

Không chỉ định giá bán xăng dầu không tuân thủ theo giá thế giới, Liên Bộ Tài chính - Công thương còn can thiệp sâu vào việc điều hành giá, kể cả việc doanh nghiệp xin giảm giá cho người tiêu dùng… cũng phải đợi cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt!

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính lý giải: “Gọi là cơ chế xin cho giá xăng dầu thì nó cũng không hoàn toàn đúng mà cái này là nhà nước chuyển từ cơ chế định giá sang yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký giá. DN phải có trách nhiệm đăng ký cái mức giá mà mình dự định bán theo quy định của pháp luật, để cơ quan quản lý người ta kiểm soát xem anh tính có đúng không, trên cơ sở đó để đảm bảo cái mức giá ra thị trường nó phù hợp, và đảm bảo các chính sách, các mục tiêu của nhà nước đối với cái loại giá đó…”.

Thế nhưng, lý giải của ông Thỏa chưa thỏa đáng. Bởi chính sự bất cập trong cách quản lý, điều hành thời gian qua đã khiến giá xăng dầu trong nước không tiệm cận được với giá thế giới. Điều này theo ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, vừa không phù hợp với quyền tự chủ về kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp, vừa khiến doanh nghiệp ngày càng lỗ sâu hơn, không có khả năng tích lũy nên năng lực cạnh tranh thấp. Đó là chưa kể đến hậu quả chênh lệch giá giữa các nước trong khu vực dẫn đến thẩm lậu, gây thất thoát ngân sách lớn. Rồi việc chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục thay đổi cũng khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn.

Về vấn đề này, ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng - Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ tài chính cũng thừa nhận: “Thị trường biến động rất kinh khủng, mình không thể điều chỉnh thuế theo biến động thị trường kiểu như thế được, như vậy sẽ làm cho tính ổn định của các chính sách không cao…”

Một vấn đề nữa liên quan đến việc định giá xăng dầu hiện nay, đó là việc quy định cứng nhắc tỷ lệ chiết khấu giá bán hàng. Đây là ý kiến của ông Vương Đình Dung - TGĐ Tổng Công ty Xăng dầu quân đội: “Đến hiện nay vẫn lại quay theo cái bù giá - hướng dẫn mới đây nhất 20/9/2009 cũng vẫn theo 676 quy định năm 2004 thì việc quy định chiết khấu 170 đồng /lít xăng - thử hỏi mình bây giờ xây dựng một trạm xăng bao nhiêu tiền? Trạm xăng miền núi bây giờ chỉ bán được khoảng 15-30 khối xăng thôi. Nếu 170 đồng nhân với 15-30 khối thì thử hỏi tiền lương ở đâu, tiền khấu hao tài sản đâu, chi phí nào để nuôi sống lao động… thế thì tại sao cho đến bây giờ vẫn cứ áp dụng lại? tôi thấy là quá bất hợp lý - mà ta nhìn thấy cả - mà tại sao ta lại cứ ký công văn ban hành?”

Từ góc độ của doanh nghiệp là đối tượng tiếp tục quá trình lưu thông xăng dầu trên thị trường, ông Dương Cao Sơn - PGĐ Công ty Cổ phần Hóa dầu quân đội, cho biết: “Một khi mà cái giá cả không được ổn định, nó lên xuống ở một biên độ có lúc thì rất là lớn có lúc thì rất là thấp thì cái kế hoạch kinh doanh của tôi là không có được, nói chung là việc ước tính cái phần lợi nhuận của 3 tháng hoặc 6 tháng là không được, cứ phải xong hết từng năm sau đó mới tổng kết lại thì mới tính được chứ kế hoạch của mình là không có và mình không tính trước được”.

Bên cạnh những ưu điểm lớn như: bước đầu đã lập lại được trật tự về thể chế kinh doanh xăng dầu, xây dựng được mạng lưới hệ thống phân phối trong cả nước và đặc biệt là ổn định được nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống… thì việc quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu trong những năm gần đây vẫn còn rất nhiều những hạn chế cần khắc phục.

Chỉ tính riêng việc quyết định giá bán một cách cứng nhắc, không tuân thủ quy luật của thị trường đã dẫn đến nhiều hệ lụy - mà rõ rệt nhất chính là cái vòng luẩn quẩn bao cấp luân hồi: bù giá! Hiện nay tới hơn 30% cấu thành trong giá xăng dầu là phần thu thuế, phí của nhà nước, nhưng do không quản lý nổi lại phải lấy từ chính nguồn này để bù giá - cho cả lượng xăng dầu thẩm lậu. Đó là chưa kể điều này còn tạo ra những năng lực cạnh tranh “giả” cho một số ngành hàng sản xuất, gia công hàng xuất khẩu...

Kỳ II: Độc quyền doanh nghiệp - vấn đề vẫn ở cơ chế!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên