Kỳ 2: Độc quyền doanh nghiệp- vấn đề vẫn ở cơ chế!

Nghịch lý giá xăng dầu không chỉ gây thất thoát ngân sách nhà nước mà còn khiến nhiều doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu phải chịu lỗ, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp

Kỳ 1: Độc quyền xăng dầu- hệ quả của cơ chế bất cập

Khi nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế ở nước ta, hầu hết đều được xây dựng trên cơ chế một đầu mối. Điện, than và dầu- khí là ba lĩnh vực cơ bản thể hiện rõ nhất điều này. Theo lý giải của một số chuyên gia trong ngành năng lượng thì đây là lẽ tất yếu của một nền kinh tế đang phát triển. Để đảm bảo an ninh năng lượng, đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Đương nhiên, không phải độc quyền doanh nghiệp!

Kể từ khi đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng thị trường xăng dầu năm 1989 - với một đầu mối duy nhất thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu xăng dầu cho nhu cầu nội địa - đến nay đã có thêm hàng chục đầu mối tham gia nhập khẩu xăng dầu, nhưng Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện vẫn chiếm tới gần 60% thị phần xăng dầu cả nước. Một trong những nguyên nhân chính là bởi cơ chế quản lý, điều hành của nhà nước. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục quản lý giá - Bộ Tài chính thì để đảm bảo an ninh năng lượng mà cụ thể là nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu trong nước, việc quy định hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng doanh nghiệp là điều bắt buộc.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa lý giải: “Trên cơ sở cân đối tổng nhu cầu xăng dầu trong nước, thế và Bộ công thương thì định hướng tối thiểu cho các DN đầu mối - mỗi DN là nhập như thế nào. Nếu chúng ta không quy định tối thiểu thì dễ dẫn đến trường hợp là khi giá giảm thì DN đổ xô đi nhập và đi kinh doanh và khi giá cao thì có thể trần trừ có thể không làm - thì toàn bộ cái an ninh năng lượng của đất nước là sẽ bị đe dọa…”

Và mặc dù còn có những lý giải về trách nhiệm đảm bảo nguồn cung cũng như bình ổn giá trên thị trường song vẫn không thay đổi được quan điểm của ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ tài chính khi cho rằng Petrolimex đang giữ vị thế “độc quyền cạnh tranh”. Ông Ánh Vũ Đình cho rằng: “Bởi vì hiện nay thị trường của chúng ta Petrolimex vẫn chiếm khoảng 60% thị phần, và nếu về nguyên tắc thì chúng ta chưa thật sự có một thị trường xăng dầu cạnh tranh một cách bình đẳng…”

Quan điểm của ông Vũ Đình Ánh là song hành với việc loại bỏ quy định hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng khi nhập khẩu xăng dầu đưa vào thị trường nội địa với giá thấp nhất có thể, thì cũng nên tách riêng khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ...

Nhưng, điều này đã vấp phải sự phản đối của ông Bùi Ngọc Bảo - TGĐ Tổng Công ty Xăng dầu VN (Petrolimex). Ông Bùi Ngọc Bảo quả quyết: “Hệ thống kinh doanh xăng dầu thì bao gồm chính cơ sở vật chất của chính doanh nghiệp ấy và các đại lý. Chính vì thế nó mới tạo thành một chuỗi - mà bản thân 8.000 cửa hàng ấy là của tư nhân hết thì tách đi đâu - và ai tách ? Cái đề xuất như thế tôi cho là vô lý…”

Tuy nhiên, ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính cũng đưa ra những lý lẽ khá thuyết phục: “Ở đây có những đại lý độc quyền và đại lý không độc quyền. Tôi nói ví dụ tôi là một tư nhân, tôi mở một cây xăng, tôi phải ký hợp đồng với Petrolimex là đại lý độc quyền của Petrolimex, tức là tôi chỉ được bán xăng của Petrolimex. Như thế về mặt nguyên tắc cũng chưa tạo ra được cạnh tranh thực sự. Chẳng hạn, hôm nay Petrolimex bán cho tôi với giá này nhưng một DN khác bán cho tôi rẻ hơn thì tôi từ chối Petrolimex để tôi nhập của nơi khác. Lúc đó tạo ra một vấn đề rất quan trọng - đó là phải có sự cạnh tranh thực sự giữa các DN đầu mối, bởi vì nếu không, có thể hôm nay tôi mua của Petrolimex, hôm sau tôi không mua - và ngày hôm sau nữa tôi muốn quay lại mua của Petrolimex thì Petrolimex sẽ không bán cho tôi nữa, bởi vì ông ta có quyền khống chế trên thị trường. Đây cũng là cả một câu chuyện về việc hình thành thị trường…”.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều chuyên gia lý giải cho việc độc quyền của Petrolimex, đó là nguyên tắc “một giá” trong suốt một năm qua, kể từ khi xóa bỏ bù lỗ hoàn toàn mặt hàng xăng, dầu.

Việc vận hành kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, đồng nghĩa với việc phải có cạnh tranh cả về giá bán của các đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, để tạo ra một thị trường có nhiều giá bán. Tuy nhiên, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, các doanh nghiệp lại có chung một mức điều chỉnh và thời gian thì cũng… gần như trùng thời điểm. Điều này khẳng định thị trường xăng dầu nước ta đang bị độc quyền về giá.

Và một khi Petrolimex là một doanh nghiệp lớn của nhà nước, chiếm giữ tới 60% thị phần xăng dầu cả nước thì đương nhiên cũng chi phối luôn giá cả thị trường này. Còn 10 doanh nghiệp đầu mối khác, cũng vẫn là các doanh nghiệp nhà nước. Trên nguyên tắc, với thị phần ít hơn, sức ép đảm bảo nguồn cung cũng ít hơn… thì cho dù quyền lợi có được hưởng nhiều hơn cũng không thể đưa giá xuống thấp hơn.

Nhưng còn một nguyên tắc nữa, quan trọng, mang tính quyết định, đó chính là bởi họ không được quyền định giá, dù giá bán đó thực sự cạnh tranh, thấp hơn so với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khác! Và tất yếu dẫn đến một hệ quả là không thể có sự cạnh tranh lành mạnh thực chất khi thị trường chỉ có một giá! Cuối cùng, người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi từ hệ quả này.

Chị Nguyễn Thị Hiền và anh Hoàng Văn Thắng - khách hàng mua xăng, dầu bức xúc, nói: “Tôi thấy nói giá xăng đã theo cơ chế thị trường mà chẳng thấy thị trường đâu cả. Chỉ thấy khi nào ông Petrolimex công bố giá thì các doanh nghiệp khác làm theo y như vậy. Chẳng thấy ai giảm nhiều hơn hay ít hơn… Chúng tôi chỉ biết mua theo giá đã được niêm yết, chứ có biết được vì sao lại có giá ấy đâu…? Nhà nước cần có chế tài cụ thể để người tiêu dùng không phải chịu thiệt thòi…”

Kỳ 3: Làm gì để thực sự có thị trường xăng dầu?

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên