Ký Bản ghi nhớ hợp tác thương mại với Burkina Faso

VOV.VN - Ngày mai 6/11, diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Burkina Faso với sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp.

Diễn đàn được tổ chức nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn công tác gồm 27 quan chức và doanh nghiệp do Thứ trưởng Bộ Công thương và Thủ công Burkina Faso dẫn đầu.


Trước đó, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang và Thứ trưởng Bộ Công thương và Thủ Công Burkina Faso, Bernard Gnessa Zougouri đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại và công nghiệp.

Burkina Faso là một quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi, có diện tích 273.800 km2, dân số 17,81 triệu người.

Việt Nam và Burkina Faso lập quan hệ ngoại giao ngày 16/11/1973. Trao đổi thương mại giữa hai nước còn rất khiêm tốn, đạt mức cao nhất là 21,2 triệu USD năm 2010 trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,3 triệu USD, chủ yếu là hàng dệt may và nhập khẩu 14,9 triệu, chủ yếu là bông các loại.

Trong 6 tháng năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 13,5 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 4 triệu USD và nhập khẩu 9,5 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, tân dược. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm bông các loại và hạt điều.

Nguyên nhân của việc trao đổi thương mại cũng như hợp tác công nghiệp giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng là do khoảng cách địa lý xa xôi, hai bên còn ít trao đổi các đoàn, doanh nghiệp còn thiếu thông tin về thị trường, đối tác. Bên cạnh đó, Việt Nam và Burkina Faso chưa có các thỏa thuận hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, đầu tư.

Vì vậy, việc ký Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp nói riêng và quan hệ hợp tác song phương nói chung.

Tại cuộc Hội đàm trước đó, hai Thứ trưởng đã bàn những biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước như hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp…, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hoạt động; Tăng cường trao đổi các đoàn cấp Bộ, ngành, doanh nghiệp, qua đó tìm hiểu thực tế về tiềm năng, thế mạnh của nhau, có những quyết sách phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên kinh doanh trực tiếp; Thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp  thông tin về cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các hội chợ triển lãm quốc tế lớn, danh sách các công ty xuất nhập khẩu uy tín; Đẩy mạnh các hoạt động giao thương trong khuôn khổ hợp tác giữa các nước nói tiếng Pháp khu vực sông Mekong và các nước Tây và Trung Phi; Mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đầu tư, dịch vụ viễn thông..../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên