Lai Châu sử dụng gần 12.000 tỷ đồng đầu tư công giai đoạn 2021-2025
VOV.VN - Tỉnh Lai Châu sẽ đầu tư cho các chương trình, dự án trên địa bàn với mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Từ 2 nguồn vốn phân bổ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Lai Châu sẽ dành gần 12.000 tỷ đồng đầu tư cho các chương trình, dự án trên địa bàn, với mục tiêu đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2025. Đây là nội dung Nghị quyết được HĐND tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thông qua tại Kỳ họp chuyên đề tổ chức sáng 26/4.
Theo Nghị quyết, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 HĐND tỉnh Lai Châu vừa thông qua, với hai danh mục phương phương án phân bổ vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương. Theo đó, từ kế hoạch vốn ngân sách Trung ương dự kiến phân bổ gần 7.500 tỷ đồng, tỉnh Lai Châu bố trí hỗ trợ thực hiện 9 dự án lĩnh vực nông nghiệp; bố trí cho nhu cầu còn lại cho 15 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2021 - 2025 và 25 dự án khởi công mới.
Đặc biệt, Lai Châu sẽ dành 2.500 tỷ đồng cho dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên Sơn nối Lai Châu với Lào Cai; 566 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần của Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La. Phân bổ hơn 105 tỷ đồng vốn nước ngoài ODA, để thực hiện chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn.
Ngoài ra, HĐND tỉnh Lai Châu cũng dự kiến phân bổ trên 4.400 tỷ đồng ngân sách địa phương để bổ sung cân đối ngân sách các huyện, thành phố và ngân sách tỉnh. Bố trí hơn 107 tỷ đồng để hỗ trợ 15 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và dành hơn 1.000 tỷ đồng để thực hiện 29 dự án, đề án dự kiến khởi công mới giai đoạn 2021 - 2025...
Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu đề nghị UBND tỉnh Lai Châu sớm báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đảm bảo thời gian theo quy định.
Đồng thời, trên cơ sở nguồn vốn phân bổ được Nghị quyết thông qua, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương sớm triển khai các bước để thực hiện các chương trình, dự án. Xem xét thanh toán vốn nợ đọng xây dựng cơ bản, hoàn trả vốn ứng trước, phân bổ vốn cho các dự án đã hoàn thành, điều chỉnh thời điểm khởi công mới các dự án cho phù hợp để đảm bảo hiệu quả đầu tư./.