Lãi của DNNN, những điểm sáng buồn!
VOV.VN -DNNN độc quyền các dịch vụ sản phẩm thiết yếu. Khi tăng giá, người tiêu dùng không còn lựa chọn nào khác…
Đầu năm 2013, nhiều DNNN, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông, điện, than… đều bày tỏ lo lắng cho một năm kinh tế khó khăn và chuyện lỗ là khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, năm 2013 khép lại, một kết quả ngoài mong đợi đã đến! Nhiều DN công bố có lãi, thậm chí lãi rất lớn, ví dụ như các DN của ngành viễn thông. Hay thậm chí như Vinashin, sau nhiều năm mang nợ dầm dề cũng có lãi đến 7.000 tỷ, nếu không phải trả phần lãi vay. Nhiều người thở phào, vì các DN này đã khẳng định được vị trí đầu tàu trong nền kinh tế, đồng vốn của Nhà nước (mà do nhân dân đóng góp) đã phát huy hiệu quả.
EVN là ví dụ điển hình về lãi khủng do tăng giá |
Tại sao DNNN lại có lãi lớn như vậy? Xưa nay, dư luận bức xúc vì DNNN làm ăn thua lỗ, giờ họ làm ăn có lãi rồi đấy thôi. Thế nhưng, lý do lãi lớn của các DNNN năm nay không phải có sự đột biến do tái cơ cấu, sắp xếp lại DN mà chủ yếu do tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Đem câu chuyện này bàn với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, ông cho rằng: Cần phải tư duy các doanh nghiệp nhà nước nói chung và các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh các lĩnh vực độc quyền mà làm ăn có lãi là tốt. Cần phải có lãi chứ suốt ngày thua lỗ là không được khi anh sử dụng một lượng vốn và tài sản đất đai của nhà nước.
“Chỉ có điều là lợi nhuận của các tập đoàn ngành độc quyền như xăng dầu, điện, than,… từ đâu ra, có phải là từ nỗ lực của doanh nghiệp, từ cán bộ đến toàn bộ công nhân viên hay là do tăng giá? Vì lợi nhuận có được một cách dễ dàng và đơn giản nhất là tăng giá” – ông Ánh nói.
Nếu một DN bình thường tăng giá bán hàng hóa thì không thể bán cho ai được. Còn DNNN thì lại có lợi thế ở chỗ khác, vì được độc quyền. Nếu tăng giá thì người tiêu dùng vẫn phải mua hoặc có thể giảm bớt sử dụng nhưng không thể không sử dụng được. Ví dụ như giá điện tăng cao nhưng người tiêu dùng không thể không dùng điện của EVN.
“Việc tiếp cận lợi nhuận DNNN phải khác với DN bình thường trong nền kinh tế thị trường. Bởi vì, DNNN có lợi thế độc quyền. Độc quyền này không phải do DNNN giỏi hay rất giỏi như kiểu Micro solf thì lợi nhuận siêu ngạch. Thế nhưng, lợi nhuận này là do Nhà nước độc quyền cho DN đó được hưởng, không DN nào được tiếp cận thị trường ấy” – ông Ánh nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của ông Ánh, mỗi một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, đa ngành đa nghề nên nguồn gốc lợi nhuận là khác nhau. Nếu nói tập đoàn xăng dầu, điện, than lãi do tăng giá thì cần phải tách bạch xem là bao nhiêu phần trăm lợi nhuận mà doanh nghiệp xăng dầu có được là do tăng giá.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thời gian qua, ông Ánh cho rằng, các DNNN đã “bất nhất” trong việc công bố thực trạng “sức khỏe” của mình, lúc thì báo lỗ, lúc thì lãi. “Đây là biểu hiện cho sự thiếu công khai, minh bạch” – ông Ánh khẳng định.
Điển hình cho tình trạng ông Ánh vừa nêu là EVN, lúc nào chia thưởng thì báo lãi, còn lúc nào biện hộ cho việc tăng giá điện thì kêu lỗ. Năm nay, EVN quyết thưởng vì đã có lãi. Lãi của EVN năm nay cũng “rất nhỏ” vì tập đoàn đã đầu tư hàng nghìn tỷ để xây dựng nhà máy, hệ thống truyền tải… mà lãi có vài trăm tỷ cũng không đáng gì.
Cụ thể, năm 2013 lãi kinh doanh điện khoảng 120 tỷ đồng. Tập đoàn này tiếp tục đặt mục tiêu lãi 4.300 tỉ đồng từ kinh doanh điện trong năm 2014. Theo đó, EVN dự định tăng giá bán điện bình quân năm 2014 lên 1.533,09 đồng/kWh.
Tương tự câu chuyện của Petrolimex cũng vậy. Muốn tăng giá bán xăng dầu thì nhắc lại điệp khúc “lỗ”. “Đùng một cái” đến cuối năm Petrolimex báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Thế nhưng, Petrolimex giải thích nếu tính lãi theo ROA và ROE (lợi nhuận trên tổng doanh thu và lợi nhuận trên vốn) thì khoản lãi hơn 1.000 tỷ là “rất nhỏ”.
Trước quyết tâm năm 2014 kinh doanh điện phải có lãi và việc đầu tiên EVN tính đến là tăng giá điện, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã thẳng thắn cho rằng: “Giá điện Việt Nam hiện nay không còn được coi là giá rẻ nữa. Đã đến lúc toàn ngành cần quán triệt, bên cạnh viêc định hướng tất yếu theo giá thị trường, ngành cần tập trung cho việc tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp theo hướng tối ưu, mục tiêu bao trùm là hướng tới khách hàng, khách hàng cần những dịch vụ tương xứng với một giá điện cạnh tranh, minh bạch. Từng đơn vị phải công bố hằng năm về việc nâng cao giá trị công tác dịch vụ”.
Sự bất nhất của DNNN khi thì bảo lỗ, khi bảo lãi đã khiến người dân không còn tin vào các DN này. Có vẻ như lãnh đạo EVN đã nhận ra việc mình đã mất niềm tin ở khách hàng cho nên, năm 2014 này, được lấy chủ đề là “Thắp sáng niềm tin”?./.
Bài 2: Mất niềm tin, DNNN phải lấy lại bằng cách nào?