Lại lo đầu ra khi vải thiều chính vụ
VOV.VN - Làm thế nào để tiêu thụ hết vải thiều Bắc Giang không phải là câu hỏi bây giờ mới có, mà đã được đặt ra từ nhiều năm nay.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là vải thiều Bắc Giang bước vào thời gian thu hoạch chính vụ. Vấn đề được chính quyền các cấp và nông dân tỉnh Bắc Giang quan tâm là làm thế nào để tiêu thụ hết nông sản.
Đến thời điểm này, nhiều người dân các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên, Bắc Giang đã bắt đầu thu hoạch vải sớm. Các gia đình tranh thủ huy động bà con họ hàng, thậm chí thuê thêm nhân công để thu hoạch.
Mặc dù từ thị trấn Lục Ngạn vào xã Tân Mộc chưa đầy 20 km, đường đi đã được cải tạo, cũng phải mất hơn 1 giờ mới vào được trung tâm xã. Đường tuy xấu với nhiều ổ gà, sống trâu, nhưng điều này không làm ảnh hưởng tới người trồng vải, bởi ngay ở trung tâm xã, đã có hàng chục thương lái đặt điểm cân, thậm chí nhiều “cò” còn lặn lội vào tận nhà dân để đặt hàng trước, nhằm thu mua được những quả vải thiều đẹp, phục vụ cho xuất khẩu.
Sản lượng vải thiểu năm nay ước đạt hơn 140.000 tấn (Ảnh: KT)
Anh Nguyễn Văn Duẩn, thôn Hoa Quảng, xã Tân Mộc cho biết, hơn 6 ha vải thiều của gia đình đã bắt đầu chín đỏ, giá bán tại vườn từ 25.000-30.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 7.000 đồng/kg. Nếu giá vải ổn định như hiện nay, gia đình aanh sẽ thu lãi gần 200 triệu đồng.
“Sản lượng năm nay của nhà tôi ước tính khoảng từ 7-10 tấn vải. Giá vải năm nay có nhỉnh hơn năm ngoái một chút. Trừ hết chi phí, với mức giá trên 25.000 đồng/kg trở lên thì người nông dân sẽ có lãi và thu về một khoản thu nhập khá”, anh Duẩn chia sẻ.
Ông Ngô Ngọc Điền ở xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn băn khoăn, lo ngại của người trồng vải hiện nay không phải là sản lượng nhiều hay ít mà là vấn đề đầu ra khi vải thiều chính vụ. “Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Đầu ra sản phẩm cần phải ổn định về giá cả thì nông dân mới yên tâm đầu tư được”, ông Điền cho biết.
Năm 2014, tổng diện tích trồng vải thiều của tỉnh Bắc Giang khoảng 33.000 ha, sản lượng đạt hơn 140.000 tấn quả tươi, cao hơn khoảng 5 tấn so với năm ngoái. Trong đó, diện tích trồng vải theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP là 8.500 ha, tập trung ở huyện Lục Ngạn có giá cao gấp hơn 1-1,5 lần. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang đang tổ chức việc đăng ký tạm trú tạm vắng thuận lợi nhất cho các thương nhân nước ngoài đến thu mua vải ở địa phương. Ước tính mỗi vụ vải thiểu chính vụ có hơn 1.000 thương lái đến thu mua nông sản tại Bắc Giang. Trong đó có khoảng hơn 250 thương lái Trung Quốc sang giám sát quá trình thu mua đóng gói để xuất khẩu về nước.
Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chia sẻ, để mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, địa phương đã và đang tăng cường xúc tiến thương mại với các thị trường khu vực châu Á, thị trường Âu Mỹ, đồng thời chú trọng thị trường nội địa với việc tăng cường ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu nông sản, thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.
“Chúng tôi rất mong tới đây sẽ nhận đc sự quan tâm của Bộ Công Thương trong sự định hướng các doanh nghiệp đến với Lục Ngạn, cùng với người dân dân Lục Ngạn đưa mặt hàng này xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường tiềm năng như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Australia,… và khi đảm bảo đủ điều kiện về chiếu xạ thì kỳ vọng có thể xuất khẩu sang Mỹ”, ông Tấn cho biết.
Theo bà Dương Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, vải thiều là 1 trong những mặt hàng nông sản được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên vấn đề tiêu thụ nông sản vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn như chế biến và bảo quản sau thu hoạch: “Nhật Bản cũng như thị trường châu Âu có nhu cầu tiêu thụ rất lớn, nhưng yêu cầu của họ đối với mặt chất lượng, đầu tư, công nghệ, con người cũng như quy trình sản xuất rất chặt chẽ. Chúng ta có thể làm được nhưng đòi hỏi sự quyết tâm, bao gồm đầu tư vào vùng nguyên liệu, công nghiệp chế biến sau thu hoạch, và các đầu tư lớn khác. Nếu tỉnh Bắc Giang quyết tâm, tôi nghĩ có thể huy động vài doanh nghiệp lớn và sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là việc cần thiết nếu muốn phát triển và đa dạng hóa các thị trường”./.