Lại nhen nhóm nỗi lo lạm phát

Mối lo ngại lạm phát rất có thể có cơ sở bởi nhiều yếu tố tăng giá đang tiềm ẩn, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng chưa tác động vòng 2 tới thị trường.

Sau 2 tháng liên tiếp đứng ở mức âm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã bất ngờ tăng 0,63% so với tháng 7 lên mức 2,86%. Đây là mức tăng CPI cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu của một nền kinh tế đã bước đầu vượt qua thời điểm khó khăn, mối lo về lạm phát lại được nhen nhóm khi tiền chưa được bơm ra bao nhiêu, cầu chưa được cải thiện nhưng nhiều chi phí đã bị đẩy lên.

Cảnh giác lạm phát tăng theo CPI

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, CPI tháng 8 tăng trong bối cảnh 5 tháng trước đó lạm phát đứng ở mức rất thấp, đặc biệt trong 2 tháng liền trước (tháng 6 và tháng 7) lạm phát CPI tụt xuống mức âm với tương ứng là -0,29% và -0,26%.

Ngoài tác động do tăng giá xăng dầu, CPI tháng 8 còn chịu tác động của việc tăng giá mạnh các dịch vụ dịch vụ y tế (+5,44%); nhóm giao thông (+1,07%); và nhóm nhà ở vật liệu xây dựng và chất đốt (+2,03%). Đây là các yếu tố tăng giá bất thường, không phản ánh hoàn toàn quan hệ cung - cầu trên thị trường hàng hóa.

Có thể thấy, chỉ số CPI đã quay đầu tăng rất nhanh trở lại trong tháng 8 chủ yếu là do các mặt hàng thiết yếu tăng giá. Giá tăng và có dấu hiệu còn tăng tiếp trong các tháng tiếp theo khi mà nhiều hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng chưa tác động vòng 2 tới thị trường.

Đã có không ít người băn khoăn khi nguồn gốc tăng giá lại chủ yếu đến từ các mặt hàng đầu vào quan trọng và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như giá xăng dầu tăng, giá gas leo thang, viện phí vọt lên trần.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh bày tỏ, chỉ số CPI tháng 8 tăng chưa hẳn đã là điều đáng mừng, bởi còn mối lo ngại lạm phát rất có thể quay trở lại. Hiện nay, nhiều yếu tố tăng giá đang tiềm ẩn. Chẳng hạn như bước vào tháng 9 yếu tố thời tiết sẽ phức tạp hơn, chuẩn bị cho năm học mới, giá xăng dầu thế giới có thể tăng cao, ắt sẽ tác động thị trường nội địa.

Cũng theo nhiều chuyên gia, chỉ số giá dự báo sẽ còn tăng mạnh khi mà các hàng hóa đầu vào quan trọng như xăng dầu, điện tăng giá trong thời gian qua chưa phản ánh hết trên thị trường thông qua các tác động gián tiếp.

Chính sách tiền tệ có là căn nguyên lạm phát?

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ là nguyên nhân gây ra lạm phát. Thậm chí kinh tế Việt Nam có dấu hiệu bơm tiền để có chỉ số giá tiêu dùng tăng sau nhiều tháng giảm. Với mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2012 ở mức 7-8% có thể thực hiện được. Nhưng bước sang năm 2013 lạm phát có thể cao trở lại nếu như tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa.

Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết, trong suốt thời gian qua, chúng ta mải bơm tiền, bơm vốn để duy trì đà tăng trưởng 7%. Chúng ta lệ thuộc nhiều vào vốn trong khi đó dựa vào năng suất là khá hạn chế. Việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài cũng hạn chế. Do vậy gây ra bất ổn vĩ mô và lạm phát.

“Chính sách tài khóa sẽ có ảnh hưởng ngay tới lạm phát. Cơ quan quản lý cũng nói từ nay đến cuối năm sẽ tăng cường chi tiêu công. Thậm chí, Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính còn nói cho các địa phương ứng trước vốn năm 2013 để giải quyết đẩy nhanh tiến độ các công trình. Chúng ta đang tập trung chi tiêu công, vì vậy có tác động ngay con số lạm phát” – TS Vũ Đình Ánh giải thích.

Trên thực tế, lượng tiền bơm từ các ngân hàng và đầu tư công ra thị trường - theo định chế nới lỏng dần các chính sách tiền tệ có thể chưa thực hiện được bao nhiêu trong vài tháng gần đây.

Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội trong tháng 8 ước đạt 0,92%, với tổng dư nợ cho vay khoảng 613.343 tỷ đồng. Con số này thực sự đã khá ấn tượng so với 7 tháng đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng huy động là 2,17% và không cao so với dự định tăng tín dụng chung cho cả năm trên phạm vị toàn quốc là 8%.

Mới đây, trong 10 ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tăng tín dụng, có ngân hàng được tăng tín dụng đến 30%. Tuy nhiên, tính chung trên cả hệ thống, tăng trưởng vẫn rất thấp (7 tháng mới đạt 1,06%) do sự hấp thụ của nền kinh tế thấp.

Sức cầu hàng hóa, cũng chưa được cải thiện. Có khá nhiều thống kê và tín hiệu cho thấy, sức mua trong vài tháng qua và ngay cả thời điểm hiện tại vẫn cạn kiệt; hàng tồn kho vẫn cao. Thế nhưng, dù tiêu thụ không được nhưng giá cả vẫn tăng vì chi phí đầu vào không ngừng tăng lên.

Chính vì điều này, một chuyên gia từ Học viện Tài chính cảnh báo, mặc dù đây mới chỉ là một dấu hiệu ban đầu nhưng không thể lơ là với nguy cơ lạm phát bắt đầu quay trở lại.

Bên cạnh đó, giá dầu thế giới vẫn đang tiếp tục tăng, doanh nghiệp trong nước đang tiếp tục muốn tăng tiếp. Doanh nghiệp vận tải trong nước cũng đang đồng loạt xin tăng giá cước. Trong bối cảnh khó khăn, nếu lạm phát quay lại sẽ là một trở ngại vô cùng lớn trong quá trình phục hồi nền kinh tế.

Cần một chính sách dài hơi

Theo các chuyên gia kinh tế, biến động của thị trường hàng hóa với sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, tăng trưởng tín dụng… là những tín hiệu xấu, không thể xem thường và cần phải lập tức được kiềm chế trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.

“Chúng ta phải kiên định với mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ với chính sách giá. Vì lạm phát là chỉ số tính theo năm và hoạch định theo năm nên chúng ta cần những chính sách dài hơi” – TS Vũ Đình Ánh nhận định.

Bên cạnh nhận định này, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc giảm lãi suất, thời gian qua là nỗ lực của ngân hàng. Tuy nhiên, chúng ta cần nâng cao chất lượng tín dụng mà không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

TS Vũ Đình Ánh cảnh báo: “Nếu cứ chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, vô tình chúng ta đẩy doanh nghiệp vào rủi ro đạo đức. Và rồi tình trạng vay vốn đổ vào những lĩnh vực rủi ro, ăn xổi, không liên quan đến sản xuất kinh doanh như thời gian trước lại lặp lại…”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên