Lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ về mức trước đại dịch để thúc đẩy tăng trưởng
VOV.VN - Tại hội thảo “Tháo van tín dụng- Khơi thông tăng trưởng” do báo diện tử Dân Trí tổ chức sáng nay (17/11) tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý ngân hàng cho rằng, ngân hàng đang nỗ lực vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn tín dụng vừa đảm bảo an toàn hệ thống, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho biết, tình hình kinh tế thế giới năm nay rất khó khăn, tăng trưởng ở mức thấp và sự khó khăn có thể còn đeo đẳng tới năm 2024.
Còn với Việt Nam, đến thời điểm này, tải chính tiền tệ đang có thanh khoản tốt, áp lực lãi suất và lạm phát không cao, lãi suất cho vay bắt đầu giảm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khó khăn vẫn còn ngổn ngang như: nợ xấu tăng, một vài ngân hàng khó khăn chưa được xử lý triệt để, niềm tin với thị trường trái phiếu, bất động sản chưa trở lại...
Để đáp ứng vốn cho sản xuất của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế, hệ thống ngân hàng đang giảm lãi suất cho vay và mục tiêu là bằng với trước thời điểm dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lãi suất cho vay trước dịch đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất, phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giờ ngân hàng vừa hạ lãi suất vừa tạo điểu kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tốt hơn.
Hiện nay, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã và đang tác động đến toàn bộ các doanh nghiệp trong vai trò hỗ trợ theo hai xu hướng tích cực. Đối với doanh nghiệp còn khó khăn, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi hoạt động, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng. Đối với doanh nghiệp hoạt động tốt, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn, về lãi suất giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, mở rộng và tăng trưởng.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng.
Tại TP.HCM, ngành ngân hàng đang hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp qua Chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, lồng ghép với thực thi chính sách về giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 30 hội nghị kết nối, giải ngân cho vay 581.000 tỷ đồng cho gần 180.000 khách hàng.
“Vướng về mặt cơ chế chính sách thì chúng tôi tiếp thu và kiến nghị UBND TP, Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ. Vướng về mặt thủ tục hành chính liên quan đến con người thì chúng tôi xử lý được, doanh nghiệp cứ phản ánh, phản hồi. Còn vướng về phía doanh nghiệp thì doanh nghiệp cũng phải chia sẻ. Chúng ta hoạt động trong nền kinh tế thị trường, phải tuân thủ pháp luật. Doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn, không đáp ứng nguyên tắc tín dụng mà cho vay ra thì rõ ràng sai rồi” - ông Nguyễn Đức Lệnh nói.