Lãi suất cho vay tiêu dùng đang ở mức hợp lý
VOV.VN -Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn hoạt động cho vay thương mại là điều dễ hiểu. Bởi hình thức cho vay này chứa đựng rất nhiều yếu tố rủi ro...
Đặc biệt, khi mà đối tượng khách hàng phần lớn là những người không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng (khách hàng dưới chuẩn).
Hiện nay, thị trường đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực cho vay tiêu dùng với sự xuất hiện của hàng loạt các công ty tài chính. Nếu như các NHTM thường nhắm đến những khách hàng có thu nhập thường xuyên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, lịch sử tín dụng tốt thì khách hàng của công ty tài chính thường là khách hàng có thu nhập thấp, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thẩp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Các khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tập trung chủ yếu là cho vay trả góp mua phương tiện đi lại, trang thiết bị gia đình; thẻ tín dụng; phát hành thẻ mua hàng. Hầu hết các sản phẩm cho vay tiêu dùng của công ty tài chính là cho vay tín chấp, hoặc nếu có tài sản bảo đảm thì tài sản bảo đảm thường là hàng hóa được mua từ nguồn vốn tín dụng được cấp.
Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội: giải quyết nhu cầu tài chính gần như tức thì cho khách hàng vay tiêu dùng, giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động, thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa, đóng góp cho ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác các công ty cho vay tài chính tiêu dùng lại đang bị “tố” áp mức lãi suất cao so với các ngân hàng thương mại trong nước và thậm chí là khu vực.
Giải thích vấn đề này, TS. Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết giá của các sản phẩm tài chính tiêu dùng có sự khác nhau giữa các quốc gia và các thị trường. Tại các thị trường phát triển, thường có mức giá thấp hơn so với thị trường mới nổi, đang phát triển. Nguyên nhân là do các công ty tài chính tại các thị trường này có nhiều dữ liệu hơn về khách hàng của họ và về tỷ lệ khách hàng có nguy cơ không trả nợ, do đó, họ có thể xây dựng được mô hình định giá phù hợp. Tại các thị trường mới nổi, những dữ liệu trên không có sẵn, như vậy mức lợi nhuận biên cần cao hơn để bù đắp những chi phí rủi ro đã được tính toán không chính xác lúc ban đầu.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, ở các nước châu Âu hay Ấn Độ, Trung Quốc... mặc dù lãi vay tiêu dùng do các công ty tài chính cung cấp thường cao gấp đến 10 lần so với lãi suất của ngân hàng nhưng thị trường này vẫn phát triển và khách hàng vẫn chấp nhận vì những ưu việt về sự nhanh chóng và tại chỗ trong giải ngân, sự đơn giản về thủ tục, sự phù hợp với khả năng chi trả... mà loại hình này mang lại.
Tại Việt Nam, do đặc điểm hoạt động của các công ty tài chính là không được phép huy động nguồn vốn ngắn hạn dưới 12 tháng từ dân cư, nguồn vốn huy động chủ yếu được vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, phát hành trái phiếu nên có giá vốn đầu vào khá cao. Khách hàng vay tiêu dùng lại hầu hết là những người không đủ điều kiện (dưới chuẩn) tiếp cận tín dụng ngân hàng nên mức độ rủi ro cao hơn và công ty tài chính cần dự phòng chi phí bù đắp cho vấn đề này.
Mặt khác, các khoản cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường rất nhỏ (dao động từ vài triệu đến vài chục triệu/1 khoản vay), thủ tục thẩm định cho vay phải nhanh gọn, thông thoáng, triển khai hệ thống dịch vụ đến từng điểm bán hàng; phải xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ cồng kềnh hơn ngân hàng... nên phát sinh chi phí tốn kém hơn. Do đó, nếu đi vào xem xét và so sánh chi phí cụ thể của từng loại sản phẩm cho vay tiêu dùng bao gồm chi phí phân phối, chi phí khoản vay và thu hồi nợ giữa ngân hàng thương mại và công ty tài chính, có thể thấy rằng lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính mặc dù cao nhưng giá trị thực tế các khoản lãi phải trả không cao. Hiện lãi suất của các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các CTTC áp dụng thường dao động từ 1,6% - 7%/tháng. Sự chênh lệch lãi suất này tuỳ thuộc từng đối tượng khách hàng thoả mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay. Những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp. Các công ty tài chính có kỹ thuật tính lãi suất theo thang điểm rất cụ thể đối với từng khách hàng. Bên cạnh đó, mức lãi suất còn phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm).../.
Với thủ tục vay đơn giản, không đòi hỏi tài sản thế chấp, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đã dần thu hút được lượng lớn khách hàng, đặc biệt là những đối tượng không đủ điều kiện vay tiền tại ngân hàng. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt khoảng 188.000 tỷ đồng (khoảng 5,2% GDP). Con số mà Viện Chiến lược ngân hàng công bố cũng cho thấy, tính bình quân 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam tăng trưởng trung bình gần 20%/ năm.
TS. Nguyễn Tiến Đông cũng đưa ra nhận định: Với quy mô dân số trên 90 triệu người, trong đó 51,6% là dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn./.