Lãi suất huy động giảm sâu, kênh gửi tiền tiết kiệm có còn hấp dẫn?
VOV.VN - Ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sắp đáo hạn. Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng liên tiếp giảm sâu và kéo dài như hiện nay, liệu có xảy ra làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang lĩnh vực khác?
Trong tháng 10/2023, các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất, khi lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ còn 5,1%/năm. Ba ngân hàng còn lại gồm BIDV, VietinBank và Agribank lãi suất cao nhất cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/năm.
Tại nhiều ngân hàng cổ phần, lãi suất gửi tiết kiệm cũng giảm nhanh và nhiều ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tương đương với các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm.
Anh Bùi Tiến, sống tại Long Biên, Hà Nội chia sẻ: “Đối với bản thân mình thì mình sẽ sử dụng số tiền, số vốn của mình để gửi tiết kiệm ngân hàng. Thứ nhất là rất an toàn, tiếp theo là mức lãi suất ở thời điểm hiện tại là chấp nhận được so với việc sử dụng số vốn đó để đi đầu tư vào thị trường chứng khoán hay hoạt động kinh doanh khác. Bởi vì vốn của mình ít thế nên đầu tư vào các hoạt động kinh doanh khác lãi suất cũng không cao mà lại tiềm ẩn nhiều rủi ro”.
Xu hướng giảm lãi suất tiết kiệm đã được hàng loạt công ty chứng khoán dự báo từ trước đó. Trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, ngân hàng khó tìm đầu ra cho vay và nhu cầu tín dụng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, xu hướng lãi suất hạ nhiệt sẽ còn tiếp diễn cho tới đến cuối năm.
Lãi suất tiết kiệm giảm đã khiến một bộ phận người gửi tiền thay đổi suy nghĩ về các kênh đầu tư. Dù vậy, không phải tất cả người gửi tiền đều thay đổi quan điểm. Dù lãi suất giảm, tiền gửi của người dân vẫn duy trì ổn định. Tiền gửi cư dân vào hệ thống ngân hàng tăng liên tục nửa đầu năm.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 6/10, tính đến cuối tháng 7/2023, số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, tăng 8,93% so với cuối năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Tiền gửi tiết kiệm dân cư rất ổn định. Tiền gửi của người dân được ngân hàng cho vay, đặc biệt là cho vay trung, dài hạn. Nguồn tiền gửi của dân cư tăng trưởng phản ánh niềm tin vào chính sách, tâm lý thị trường, tạo thuận lợi nhất định cho môi trường đầu tư”.
Các chuyên gia tài chính phân tích dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng bởi các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro.
Bất động sản vẫn trầm lắng, thị trường chứng khoán đến thời điểm này vẫn chưa xác định rõ xu hướng tăng giảm, thị trường trái phiếu vẫn đang dần lấy lại niềm tin của nhà đầu tư… Do đó, từ giờ đến cuối năm dù lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục giảm, người dân vẫn chọn gửi ngân hàng. Hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm vẫn cao hơn lạm phát nên tiền nhà đầu tư vẫn có lợi.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích: “Với tình hình lãi suất vẫn giảm như hiện nay, thông thường, lãi suất giảm thì huy động không còn hấp dẫn. Đấy là về mặt nguyên tắc, song thực tế tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: lạm phát hay tính hấp dẫn ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ tại thời điểm đó.
Hiện có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định, và chênh lệch khá cao so với thế giới; ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm”.
Đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có "khẩu vị" rủi ro khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, kênh tiết kiệm vẫn là một trong những kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi tính ổn định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro, "khẩu vị" khi đầu tư.