Mặt bằng lãi suất giảm sâu, song doanh nghiệp vẫn gặp khó
VOV.VN - Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tiếp giảm sâu ở nhiều kỳ hạn, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm nhẹ. Do đó, chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần tăng cung tiền, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, đây là tiềm năng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tiếp giảm sâu ở nhiều kỳ hạn. Đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ngân hàng niêm yết lãi suất trên 7%/năm.
Theo TTXVN, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) đang niêm yết mức lãi suất cao nhất hệ thống, lên tới 11%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là chỉ áp dụng tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Nếu gửi tiền cùng kỳ hạn dưới 2.000 tỷ đồng, PVCombank áp dụng lãi suất 6,3%/năm.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đang niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND cao nhất ở mức 8,3%/năm khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 1 tỷ đồng trở lên. Đây cũng là ngân hàng đang niêm yết lãi suất nhiều kỳ hạn cao nhất hệ thống như lãi suất tiền gửi 6 tháng là 7,55%/năm, 12 tháng là 7,9%/năm...
Ngoài ra, còn 2 ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất từ 7%/năm, bao gồm Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với lãi suất lần lượt là 7,1 và 7%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Làn sóng giảm lãi suất lan rộng
Mới đây, làn sóng giảm lãi suất tiếp tục lan rộng khi nhiều ngân hàng giảm từ 0,2-0,7 điểm % đối với tất cả các kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa giảm 0,3 điểm % đối với tiền gửi từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi cao nhất từ 6,95%/năm xuống còn 6,65%/năm.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 6,8%/năm thay vì mức 7,3%/năm như trước đó.
Còn tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), lãi suất huy động giảm 0,2 điểm % với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất về còn 6,25%/năm.
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,9%/năm xuống 6,8%/năm; kỳ hạn 12 và 13 tháng tháng giảm từ 7,1%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,6%/năm.
Đáng chú ý, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), biểu lãi suất huy động giảm sâu không chỉ với các kỳ hạn dài. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại đây giảm từ 4,3%/năm xuống 3,6%/năm, bước giảm dài nhất của Saigonbank trong kỳ điều chỉnh này. Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất giảm từ 4,4%/năm xuống còn 4%/năm; 6 tháng từ 6,4%/năm xuống 6%/năm.
Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động từ 6,2-6,6%/năm thay vì mức từ 6,4-7,1%/năm như hồi tuần trước. Mức cao nhất 6,6%/năm được Saigonbank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng.
Ngân hàng nào có lãi suất huy động cao nhất?
Trước đó, 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn xuống mức thấp nhất hệ thống.
Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này giảm từ 6,3%/năm xuống còn 5,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, riêng Agribank chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1 và 3 tháng giảm xuống mức 3%/năm và 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,7%/năm.
Trong những ngày cuối tháng 8 này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất đang ghi nhận tại DongABank với 7,9%/năm; NamABank 7,1%/năm; VietABank 7%/năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 6,95%/năm; NCB 6,9%/năm...
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện có DongABank với 7,55%/năm; VietABank và NCB cùng mức 6,8%/năm; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) 6,75%/năm...
Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm %. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh và nhiều gói tín dụng ưu đãi được triển khai với lãi suất khoảng 0,5-3 điểm % tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới. Tuy nhiên, tính đến hết nửa đầu năm, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Doanh nghiệp vẫn đang "gánh" lãi suất cao
Chia sẻ trên VnEconomy, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc cho biết, về lãi suất, tính toán cho thấy lãi suất thực Việt Nam hiện tại là 8% cao nhất thế giới, trong khi đó lãi suất thực của Mỹ chỉ 2%. Doanh nghiệp Việt Nam đang "gánh" lãi suất thực 8%, cao gấp 4 lần của Mỹ.
"Tôi không đồng tình với nhận định rằng chúng ta đã hết tiềm năng để giảm lãi suất. Hết thế nào được, tại sao để doanh nghiệp Việt Nam chịu lãi suất vậy làm sao cạnh tranh nổi làm sao mà sống được? Tôi không phân tích đi sâu vì nhạy cảm. Chúng tôi kiên trì kiến nghị tiếp tục giảm lãi suất hiện nay lãi suất tiền gửi giảm khá tích cực nhưng lãi suất cho vay rất cao, lý do vì họ huy động tiền gửi cao nên chưa thể giảm lãi suất thấp nhưng còn lí do khác nợ xấu đang còn lớn không thu hồi về được nên buộc duy trì lãi suất cho vay cao dù không ai vay ít người vay, để giữ cho được khung lợi nhuận theo kế hoạch...", Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nói.
Lý do nữa, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cung tiền hiện đang rất thấp. Vòng quay tiền mấy năm gần đây vô cùng chậm chạp, vòng quay tiền hiện tại là 0,64 lần một năm. Chu kỳ trước thấp nhất chỉ 1,8 nên cả thị trường không có thanh khoản. Thanh khoản bị kẹt, nó giống như nước trong bình không có nên có vặn vòi thoải mái nó cũng không chảy. Giảm lãi suất, nới room tín dụng chỉ là vặn vòi trong khi nước trong bình ít nên chỉ rỉ rỉ vậy thôi. Do đó, tăng cung tiền, giảm lãi suất vẫn là tiềm năng vô cùng quan trọng để phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Lãi suất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định, phổ biến ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1 - 4,75%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5 - 7,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6 - 7,3%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 7,3 - 9,1% năm đối với các khoản vay mới và cũ còn dư nợ. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) bình quân khoảng 4,4%/năm theo quy định của NHNN.
Lãi suất huy động USD của tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.