Lãi suất không thể giảm thêm nữa

(VOV) -Theo ông Lê Xuân Nghĩa: “Tới đây, sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để giảm lãi suất là không có”.

“Lạm phát lõi hàng tháng thấp nhất 0,18% nhưng đã leo dần lên 0,85% và 1% gần đây chứng tỏ lạm phát có nguy cơ quay trở lại và đang ở mức khá cao” - Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia khẳng định tại buổi tọa đàm đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng năm 2012 và khuyến nghị chính sách được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng nay (5/11).

Chính vì vậy Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, quan điểm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát của NHNN, ngay cả từ nay đến cuối năm và trong năm 2013 là hoàn toàn đúng đắn.

Trước đây, NHNN đầu năm phải xin Chính phủ thông qua chỉ tiêu cung ứng tiền hàng năm, nhưng năm nay, NHNN đã xin chính phủ bỏ chỉ tiêu này để điều hành lượng cung tiền theo lạm phát. Từ đầu năm đến nay, NHNN thực hiện bơm tiền rất thận trọng mặc dù đứng trước áp lực phải mở rộng chính tiền tiền tệ, chính sách tín dụng.

“Cách điều hành của NHNN là hoàn toàn đúng. Dù đứng trước áp lực lớn là phải giảm lãi suất, mở rộng tín dụng nhưng NHNN rất kiên trì trong điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao hành động này của NHNN” – Tiến sĩ Nghĩa nói.

Về thanh khoản, theo TS Lê Xuân Nghĩa: “Cuối năm 2011, tưởng đứng trước nguy cơ sụp đổ thanh khoản nhưng NHNN đã có những hỗ trợ kịp thời và đủ mạnh để đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Công cụ tái cấp vốn được sử dụng mạnh, hiện vẫn còn nhiều dư âm về đợt tái cấp vốn. Nhưng nhanh mạnh như vậy mới là kịp thời, nếu chần chừ theo lối sợ đánh giá về lợi ích nhóm lại có thể không đạt được kết quả như vậy. Đặc biệt NHNN phối hợp tái cấp vốn với sáp nhập, mua lại tạo ra hiệu ứng hỗ trợ thanh khoản và tái cấu trúc”.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, từ nay đến cuối năm, khi mà chu kỳ mùa vụ xuất hiện có thể tạo ra những cú sốc nhất định về cầu nên việc điều hành thanh khoản là rất quan trọng.

Cùng với chấn chỉnh về thanh khoản, NHNN cũng chấn chỉnh về liên ngân hàng. Thị trường liên ngân hàng có nhiều bức bối, như việc tồn tại tài khoản cho vay là tiền gửi nhưng là cùng bản chất. Vì vậy, NHNN yêu cầu các ngân hàng không duy trì khoản tiền gửi như khoản đầu tư mà chỉ là thanh toán, còn tài khoản cho vay thì chỉ dự phòng rủi ro.

Theo đó, thị trường liên ngân hàng đã có sự chấn chỉnh mạnh mẽ, lãi suất giảm xuống nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết là ngân hàng nhỏ đi vay khó. Nhưng điều này thể hiện sự thật của thị trường, làm rõ uy tín của thị trường liên ngân hàng.

Trần lãi suất: duy trì hay bỏ?

Theo Tiến sĩ Nghĩa: “Tới đây, sức ép giảm lãi suất lớn, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để NHNN giảm lãi suất là không có. Lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại, do vậy đồng tình với quan điểm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ngay cả từ nay đến cuối năm và trong năm 2013”.

Phân tích chỉ số phát triển công nghiệp, Tiến sĩ Nghĩa phân ra làm 2 mảng: Dịch vụ và nông nghiệp hầu như không thay đổi nhưng công nghiệp giảm sút rất mạnh. Trong đó, công nghiệp chế biến và khai khoáng giảm dưới mức trung bình của chỉ số. Duy nhất có gas, điện, nước tăng nhưng chủ yếu do giá. Như  vậy, ngành công nghiệp đang có xu hướng đi xuống, trong đó chủ yếu là ngành công nghiệp chủ chốt như chế biến và khai khoáng, chứng tỏ mức độ trì trệ của nền kinh tế lớn, tình trạng này có thể kéo dài sang năm 2013.

Như vậy, nguy cơ lạm phát quay trở lại rất lớn nếu NHNN mất cảnh giá, lơi lỏng kiểm soát cung tiền.

Tiến sĩ Nghĩa cho rằng, “tiếp tục kiểm soát là con đường duy nhất, chắc chắn không thể giảm lãi suất xuống được nữa”.

“Câu hỏi đặt ra đối với NHNN là có nên tiếp tục duy trì trần lãi suất nữa không. Nếu tiếp tục duy trì sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước đang quy định trần lãi suất nhưng các ngân hàng không thực hiện được. Nếu tiếp tục duy trì trần thì phải yêu cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện. Nếu không thì bỏ”- ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cho rằng: “NHNN đã có bước đi thông minh khi bỏ trần lãi suất trên 12 tháng và tới đây là thời điểm NHNN phải tính đến bỏ tiếp trần lãi suất ngắn hạn”.

Cần nỗ lực xử lý đóng băng tín dụng

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng “nợ xấu là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và là cốt lõi của nền kinh tế hiện nay. Nợ xấu đã dẫn đến tình trạng đóng băng tín dụng không phải là lỗi của Ngân hàng Trung ương và các ngân hàng thương mại mà là tâm lý bình thường của người giữ tiền và người muốn đi vay. Tâm lý này đã ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế trên thế giới chứ không chỉ của riêng Việt Nam cho nên cũng đặt ra cho Việt Nam một vấn đề là nếu không xử lý được nợ xấu thì không gỡ được đóng băng tín dụng, không gỡ được đóng băng tín dụng thì không thể nào hạ được lãi suất và các doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng”.

Tín dụng ngân hàng ảnh hưởng 82% đầu tư của khu vực tư nhân. Tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng hơn 30% đầu tư công của chính phủ, mà nợ xấu của khu vực này không phải là nhỏ. Thống đốc khẳng định nợ xấu xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ. Tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng 28% nhu cầu vốn đầu tư FDI.

Do vậy, theo ông Nghĩa, “đóng băng tín dụng là thảm họa của nền kinh tế, đây là điều cần nỗ lực xử lý”.

Muốn xử lý nợ xấu thì Chính phủ phải làm, nếu không thực hiện kịp thời thì doanh nghiệp phá sản ngày càng nhiều. Thời gian gần đây, doanh nghiệp thành lập mới theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư là khá cao, nhưng theo TS Nghĩa chưa chắc là tín hiệu tốt bởi những doanh nghiệp mới đó có thể lại là những doanh nghiệp đã phá sản thành lập lại, nhằm tiếp cận vốn ngân hàng.

“Kinh tế Việt Nam năm 2011 là thanh khoản, 2012 và 2013 là nợ xấu. Nếu không xử lý được nợ xấu thì sẽ chết. Cảnh báo này của đại sứ Nhật Bản nghe qua tưởng rất nhỏ nhưng khi xử lý lại rất lớn” – ông Nghĩa nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên