Lãi suất ngân hàng: Phức tạp nhưng linh hoạt

Năm 2008 là năm thị trường ngân hàng tài chính nước ta có nhiều biến động, và Ngân hàng nhà nước đã có những động thái mạnh trong điều hành để tác động vào thị trường.

Ngay trong những ngày cuối năm, khi chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc năm tài chính của nền kinh tế, cũng là kết thúc năm 2008 đầy những biến động không những của nền kinh tế thế giới mà còn đầy biến động của nền kinh tế đất nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu vẫn kịp đưa ra quyết định điều chỉnh giảm hàng loạt lãi suất cơ bản.

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, NHNN đã 5 lần giảm lãi suất cơ bản cùng hàng loạt lãi suất khác và 4 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại. Vào thời điểm cao nhất trong năm, lãi suất cơ bản là 14%/năm, tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền đồng Việt Nam là 11%/năm, còn hiện nay lãi suất cơ bản đã về mức 8,5% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ còn 5%. Những quyết định điều chỉnh liên tiếp của Ngân hàng nhà nước và các mức lãi suất chênh lệch khá lớn ấy cho thấy lĩnh vực ngân hàng tài chính năm nay đầy biến động, căng thẳng, phức tạp nhưng cũng rất linh hoạt.

Khi từng tháng từng quý trôi qua, tốc độ lạm phát liên tục tăng, các chính sách điều hành của NHNN đã linh hoạt tuỳ vào mục tiêu của nền kinh tế trong từng thời gian, thời điểm để có những biện pháp thắt chặt hay nới lỏng chính sách tiền tệ. Những tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại, nhất là khối ngân hàng cổ phần đã cùng nhau xô vào những cuộc chạy đua huy động vốn với các mức lãi suất được điều chỉnh tăng mỗi ngày, thậm chí ở một số ngân hàng, lãi suất được điều chỉnh tăng vài lần trong ngày. Các phòng giao dịch của các ngân hàng luôn đông nghẹt khách đến gửi tiền. Lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp – tới mức có những doanh nghiệp mang cả vốn gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất. Trong khi sự tăng trưởng của nền kinh tế còn đang hạn hẹp mà đồng vốn của doanh nghiệp không được đưa vào sản xuất kinh doanh mà lại được gửi vào trong ngân hàng để hưởng lãi thì quả là không ổn. Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra quyết định trần lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại chỉ được phép ở mức 150% mức lãi suất cơ bản (theo quy định của Luật Dân sự)

Nhưng có thời điểm với lãi suất vốn vay ở mức trần - cho dù được Ngân hàng nhà nước khống chế ở 21%/năm nhưng thực tế thì lại cao hơn thế bởi những khoản phí kèm theo do các ngân hàng thương mại tự đặt ra, thì khó có ngành sản xuất kinh doanh nào kham nổi. Cũng có thể hiểu một phần nguyên nhân là các ngân hàng thương mại buộc phải đứng ở tình thế đó, khi lượng vốn bị thắt chặt bởi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng lên, phải mua tín phiếu bắt buộc, và trước đó phải điều hoà mức cho vay đầu tư chứng khoán về tỷ lệ theo quy định của NHNN và còn phải giữ khách hàng, giữ tên tuổi trên thị trường...

Cuộc đua tranh huy động vốn với lãi suất cao cứ thế được đẩy lên và ngay cả khi các ngân hàng đã cam kết trong Hiệp hội của mình rằng chỉ giữ lãi suất ở mức nào đấy thôi thì chính mỗi thành viên ngân hàng ấy lại lẳng lặng phá vỡ cam kết của mình.

Một biến động khác tác động mạnh đến tâm lý thị trường ngân hàng tài chính trong năm qua là hiện tượng sốt ảo giá đôla Mỹ. Nói là ảo bởi thực tế không thiếu đô la cung ứng cho doanh nghiệp và nền kinh tế nhưng giá đô la trên một số thị trường lớn trong cả nước lại tăng rất mạnh và không ít người dân đổ xô vào mua gom đô la để rồi sau đó lại vội vàng bán tống bán tháo chịu lỗ khi giá bắt đầu xuống. Động thái của Ngân hàng nhà nước tuyên bố có đủ đô la cung ứng cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế và trực tiếp bơm đô la Mỹ cho một số các ngân hàng đã kịp thời đưa thị trường tiền tệ này trở lại ổn định.

Những biện pháp của Chính phủ và sự điều hành của ngân hàng nhà nước đã dần tác động đến thị trường và nền kinh tế, lạm phát dần được khống chế, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng thậm chí còn ở mức âm. Ngân hàng Nhà nước liên tiếp đưa ra các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong khoảng 2 tháng vừa rồi, dưới tác động của các biện pháp ấy, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hạ rất nhanh, mở cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngay trong những ngày này, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, nhiều ngân hàng thương mại đang triển khai cho vay vốn thu mua lúa gạo tồn đọng ở khu vực ĐBSCL, hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa vụ cũ để vào vụ sản xuất mới. Và cũng bắt đầu từ 22/12, với lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam giảm còn 8,5%/năm thì lãi suất cho vay tối đa của các ngân hàng thương mại giảm còn 12,75%/năm. Đấy cũng là một trong những yếu tố góp phần thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư mà Chính phủ đang đặt ra, nhằm khắc phục những dấu hiệu suy giảm kinh tế.

Nhiều chuyên gia ngân hàng nước ngoài bình luận rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đi đúng hướng và kịp thời. Ông Hisatsugu Furukawa, Chuyên gia Chính sách tiền tệ của Văn phòng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận xét: lãi suất đã được thay đổi linh hoạt và kịp thời, chính sách tiền tệ thắt chặt đã kiểm soát lạm phát một cách thành công, còn chính sách nới lỏng tiền tệ cho thấy sự điều một cách linh hoạt.

Gói giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng mà Chính phủ vừa đưa ra, vai trò của hệ thống ngân hàng chiếm một vị trí quan trọng. Tại cuộc họp chính phủ bàn về 5 nhóm giải pháp để thực hiện kích cầu đầu tư tiêu dùng, một trong 3 giải pháp được chú trọng nhất là nới lỏng chính sách tiền tệ một cách hợp lý, hiệu quả - mà cụ thể là hạ lãi suất. Và khi quyết định giảm các mức lãi suất cơ bản lần mới nhất này, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ mục đích là nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; để các ngân hàng mở rộng tín dụng đối với sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh và kể cả các dự án đầu tư bất động sản khả thi, có hiệu và có khả năng trả nợ đúng hạn. Thế nhưng, giờ đây Ngân hàng nhà nước lại đứng trước một thử thách mới: thị trường lãi suất sẽ diễn biến ra sao khi trần lãi suất cho vay dựa trên lãi suất cơ bản mới chỉ là 12,75%/năm trong khi lượng vốn huy động trước đó với lãi suất quá cao nay vẫn tồn đọng khá lớn. Liệu các doanh nghiệp có tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại hay không, để thực hiện các giải pháp của Chính phủ đang đẩy mạnh kích cầu đầu tư, chống lại những dấu hiệu suy giảm kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên