Lãi suất tiền gửi có thể tăng trở lại, lãi suất cho vay khó giảm sâu
Theo các chuyên gia, nhu cầu vốn khách hàng dần hồi phục trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên ngân hàng tái tăng lãi suất để huy động vốn.
Do nhu cầu vốn cuối năm tăng nên khoảng 2 tuần trở lại đây, các ngân hàng đang có sự thay đổi về mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo chiều hướng tăng để thu hút tiền gửi trong dân, tăng thanh khoản cho vay. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải tính toán nhiều mặt do dư địa không còn nhiều.
Ngân hàng nhỏ đồng loạt tăng lãi suất huy động
Khảo sát lãi suất huy động của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ghi nhận đã có diễn biến tăng nhẹ đối với cả hai kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng.
Theo đó, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng cùng tăng nhẹ 0,01 điểm phần trăm, lần lượt lên mức 4,71% và 5,51% vào cuối tháng 11.
Đáng chú ý, động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỷ đồng, với mức tăng lần lượt 0,03 và 0,02 điểm phần trăm, lên mức 5,42% kỳ hạn 6 tháng và 6,02%/năm kỳ hạn 12 tháng.
Riêng với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng và nhóm ngân hàng "big 4" không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.
Cũng từ đầu tháng 12, Eximbank tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Theo đó, lãi suất gửi tại quầy kỳ hạn 5 tháng tăng lên 3,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,6%/năm; kỳ hạn 1 tháng tăng lên 3,7%/năm...
Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương tín (VietBank) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn từ 3-12 tháng với lãi suất điều chỉnh tăng từ tăng 0,1 điểm %, lên mức 3,5%/năm.
Chuyên gia phân tích tại VNDirect cũng đánh giá lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp, do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.
Do đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9%-6,1%/năm vào cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu nhích tăng và theo giới chuyên gia, điều này là hoàn toàn phù hợp. Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Và việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài.
Dẫu vậy, số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy kênh tiền gửi ngân hàng đang trở nên kém hấp dẫn khi tổng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng liên tục giảm kể từ tháng Ba.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong tháng 8/2021, huy động vốn của ngân hàng chỉ đạt hơn 5,293 triệu tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7/2021; tháng 9/2021 giảm tới gần 1.500 tỷ đồng, xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng.
Dư địa giảm lãi suất cho vay không còn nhiều
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc giảm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phải tính toán nhiều mặt do dư địa không còn nhiều.
Từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức điều hành lãi suất giảm 3 lần lãi suất điều hành từ 1,5%-2%. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các khoản cho vay cũ và mới.
"Mặt bằng mức lãi suất giảm 1,66% so với trước dịch. Từ khi COVID-19 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm 30.000 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục giảm," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng giảm các loại phí với mức giảm hơn 2.000 tỷ đồng cho khách hàng.
"Các biện pháp kể trên đã giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh," lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Một chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, các tổ chức tín dụng gần như đã thực hiện mọi giải pháp có thể để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và khó tiếp tục giảm lãi suất. Vì thế, theo chuyên gia này, cấp bù lãi suất có lẽ là giải pháp phù hợp nhất ở thời điểm hiện tại. Vấn đề là cần phương pháp triển khai phù hợp.
Để có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay trong thời gian còn lại của năm 2021 đồng thời mở rộng hoạt động cho vay trong mùa cao điểm cuối năm, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã cấp thêm hạn mức tín dụng trên cơ sở năng lực của từng nhà băng.
Mặc dù đánh giá lãi suất cho vay đã được giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, vì vậy nhóm nghiên cứu Trường Đại học kinh tế Quốc dân (NEU) khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ nay tới cuối năm và giảm tiếp 0,5% trong quý 1/2022. Việc này sẽ tác động giảm đáng kể lãi suất cho vay đối với nền kinh tế.
Nhóm nghiên cứu của NEU phân tích chỉ cần giảm 0,5% tỷ lệ này, sẽ giải phóng được số vốn lên tới 50.000 tỷ đồng để cho vay đối với nền kinh tế, chưa tính đến chi phí tín dụng của các tổ chức tín dụng sẽ giảm xuống đồng thời tăng khả năng tạo tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế.
Ủng hộ phương án này nhưng tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc này thường có tác dụng đối với các tổ chức tín dụng có nhiều tài sản thanh khoản cao. Vì thế, không phải tất cả số tiền được giảm từ dự trữ bắt buộc có thể đem ra cho vay nền kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Lực ngoài tỷ lệ dự trữ bắt buộc, các tổ chức tín dụng tại Việt Nam còn cần tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (các tổ chức tín dụng cần duy trì tỷ lệ dự trữ thanh khoản và tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày ở mức 10%...)./.