Lãi suất tiêu dùng cao ngất ngưởng
Lãi suất vay tín chấp hiện rất cao từ 20% đến 29%/năm.
Phát tờ rơi, điện thoại, nhắn tin, mở riêng trang web cho vay tiêu dùng, thậm chí các dịch vụ miễn phí như Viber, Zalo… tất cả đều được tận dụng để mời gọi, tìm kiếm khách hàng vay tiêu dùng.
Vay tiêu dùng lên tới 29%/năm
Mặc dù các ngân hàng (NH) liên tục hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất, kinh doanh, đưa ra các gói tín dụng khuyến mãi như miễn phí lãi suất tháng đầu tiên, lãi suất ổn định từ ba đến sáu tháng, cho vay nhanh trong vòng 24 giờ… để hút khách hàng nhưng lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn ở mức cao. Lãi suất tiêu dùng có tài sản thế chấp hiện được nhiều NH áp dụng ở mức 14%-15%/năm, song nhiều khách hàng than phân khúc lãi suất tín chấp hiện nay quá cao so với mức trung bình.
Lãi suất tiêu dùng có tài sản thế chấp hiện được nhiều NH áp dụng ở mức 14%-15%/năm (Ảnh: KT)
Chị Truyền ở phường 4 (quận Tân Bình) cho biết gia đình có nhu cầu vay tiêu dùng vài chục triệu đồng, chị hỏi vay tín chấp bằng lương. Tìm hiểu khoảng 7-8 NH chị được kết quả mức lãi suất thấp nhất là 20%/năm và cao nhất lên tới 29%/năm. Một số ít NH như ABbank cho biết không cho vay tín chấp tiêu dùng.
Chị Truyền quyết định dừng lại ở NH có lãi suất thấp nhất là ANZ với mức 20% tính theo dư nợ giảm dần và ổn định trong suốt quá trình vay.
Tương tự, chị Kim Chung, nhà ở Nguyễn Đình Khơi, quận Tân Bình liên lạc với NH HSBC Chi nhánh Đồng Khởi thì nhận được thông tin lãi suất cho vay tín chấp bằng lương sẽ khoảng 22%/năm tính theo dư nợ giảm dần. “Lãi suất tiền gửi chỉ có 5%-6% thôi mà lãi suất cho vay quá cao. Dù là tín chấp thì cũng có đảm bảo bằng lương. Điều đó cũng giống như chị bạn tôi mua xe hơi lấy chiếc xe là tài sản đảm bảo thì được vay với lãi suất 13%/năm. Vậy tại sao thế chấp bằng lương lại có mức cao như vậy? Lãi suất trên 20%/năm là quá cao, chỉ những người bí quá mới phải vay” - chị Chung chia sẻ.
Tín chấp bằng lương cũng là có tài sản thế chấp
Theo ông Nguyễn Thanh Nhung, quyền Tổng Giám đốc VietBank, về nguyên tắc, rủi ro càng lớn thì lãi suất sẽ càng cao. Nhưng trong bối cảnh hiện nay lãi suất có xu hướng giảm dần nên dù là tín chấp đi chăng nữa ở ngưỡng trên 20%/năm là không chịu nổi. “Hiện nay lãi suất cho doanh nghiệp vay sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực ưu tiên nhiều NH đưa ra chỉ có 7%/năm. Lãi suất cho vay tiêu dùng tín chấp ở mức 14%-15% cũng đã là cao rồi” - ông Nhung nói.
Còn ông Đặng Quốc Tiến, thành viên Hội đồng quản trị MBBank, dù là thế chấp bằng lương cũng là có tài sản đảm bảo nên không thể coi đó là tín chấp. Vì vậy sẽ là vô lý nếu vay mua ô tô thế chấp bằng ô tô đó thì được hưởng lãi suất 13% mà vay thế chấp bằng lương thì phải chịu mức lãi trên 20%/năm.
“Có rất nhiều lý do khiến lãi suất cho vay không thể cao được. Thứ nhất NH hiện nay cho vay cực kỳ khó khăn, sức cầu thị trường rất kém; thứ hai lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm; thứ ba huy động tại các NH tăng, phải nói NH đang dư vốn… Cụ thể như Vietcombank lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng đến năm năm chỉ 7%/năm mà thôi. Trong khi mới đây lãi suất ngắn hạn 1-2 tháng hiện chỉ trên 5%/năm. Bởi vậy nếu vay tiêu dùng thế chấp bằng lương cùng lắm chỉ ở ngưỡng 13%-14% thôi” - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, cho vay thế chấp bằng lương là sản phẩm dành cho cán bộ, công chức những người trả lương qua tài khoản. Và nếu có cao thì chỉ ở ngưỡng 13%-14% là hợp lý.
Cùng quan điểm, ông Rahn Wood, Giám đốc khối NH bán lẻ của VIB, cho biết ở các nước phát triển cho vay tín chấp là chủ yếu và thường mức rủi ro cao thì lãi suất cũng cao. Riêng với lãi suất tín chấp ở Việt Nam, trong xu thế này ngưỡng 20% là quá cao./.