Lâm Đồng hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp không nhà kính
VOV.VN - Sau Kết luận, canh tác nông nghiệp nhà kính ở nội ô Đà Lạt gây nhiều tác động xấu về môi trường và mỹ quan đô thị, UBND tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân canh tác không nhà kính, hướng tới giảm nhanh nhà kính nội ô, tiến tới xóa bỏ nông nghiệp nhà kính đô thị.
Cùng với chuyển giao khoa học công nghệ, kỹ thuật canh tác nông nghiệp hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đang triển khai 30 mô hình điểm về sản xuất hoa, củ, quả ngoài trời.
Theo ông Đỗ Văn Bảy, nông dân phường 7, chủ trương xóa bỏ nông nghiệp nhà kính khiến nhiều nhà vườn tiếc nuối. Để thuyết phục bà con, chính quyền tỉnh và thành phố phải có giải pháp đồng bộ: “So sánh canh tác ngoài trời với trong nhà kính thì trong nhà kính hiệu quả đạt rất cao. Chủ trương loại bỏ nhà kính thì Nhà nước phải làm sao có chính sách hỗ trợ nông dân chứ nếu không canh tác ngoài trời là khó lắm”.
Thành phố Đà Lạt hiện có 2.900 ha nhà kính sản xuất nông nghiệp trong nội ô. Phần lớn diện tích nhà kính này xây dựng tự phát, không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường, khoảng lùi; không có hệ thống thu gom nước, mật độ dày đặc, đan xen trong khu dân cư… Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước mưa không thoát kịp, gây các vụ ngập úng cục bộ tại khu vực trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, để hạn chế, tiến tới xóa bỏ nhà kính nông nghiệp ở nội ô Đà Lạt, bên cạnh xây dựng nhiều mô hình điểm sản xuất nông nghiệp ngoài trời đạt hiệu quả cao để nhân rộng, tỉnh đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lâm Đồng nghiên cứu, vận dụng các gói chính sách tín dụng ưu đãi với tổng số tiền hơn 4.800 tỷ đồng, để nông dân sản xuất nông nghiệp ngoài trời.
Ông Nguyễn Văn Châu nói: “Tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ về chủ trương của tỉnh Lâm Đồng về việc giảm và tiến tới không còn nhà kính ở nội ô Đà Lạt. Khi di dời như vậy thì người dân sẽ khó khăn về nguồn vốn thì cũng sẽ được vay ngân hàng. Chúng tôi cũng đang đề xuất tỉnh xem xét có nguồn kinh phí để hỗ trợ lãi suất cho nông dân”.