Làm hồ sơ điện tử cho rau sạch trên cao nguyên Mộc Châu
VOV.VN - Khi đến tay người tiêu dùng, những sản phẩm này đã có sẵn hồ sơ dữ liệu từ khi gieo hạt, chăm sóc và thành phẩm.
Việc truy xuất nguồn gốc bằng mã vạch, mã ký tự đối với các sản phẩm là những chiếc điện thoại đắt tiền, những chai rượu ngoại hay những hộp bánh kẹo nhập khẩu đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, tại cao nguyên Mộc Châu của tỉnh Sơn La, một nhóm nông dân đã tự sản xuất được thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và hay hơn nữa là người tiêu dùng có thể tự truy xuất được nguồn gốc của từng bó rau sạch do họ sản xuất.
Nguyễn Đức Thọ tốt nghiệp Đại học xây dựng và đã từng có công ăn việc làm ổn định tại Thủ đô. Cách đây 3 năm, khi vào siêu thị mua 1 bó rau có giá bán cao hơn nhiều so với ngoài chợ, nhân viên siêu thị chỉ nói với anh rằng đó là rau sạch, mà không chứng minh được là rau đấy tốt như thế nào.
Chàng thanh niên đã quyết định từ bỏ chốn thị thành, về Mộc Châu để mở một trang trại trồng rau, với mong muốn là cung cấp cho người tiêu dùng những thực phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, và phải có nguồn gốc rõ ràng.
Anh Nguyễn Đức Thọ, Chủ nông trại RASA, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nói: “Với hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn Viet Gap và hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng và có thể truy xuất về trách nhiệm khi có vấn đề gì xảy ra liên quan đến an toàn thực phẩm”.
Từ khi gieo hạt, thì liều lượng nước hay là số lượng phân bón sử dụng cho mỗi đợt, người nông dân ở đây đều ghi vào máy tính và đưa vào phần mềm truy xuất nguồn gốc rau sạch. Khi đến tay người tiêu dùng, những sản phẩm này đã có sẵn hồ sơ dữ liệu. Mỗi đợt thực phẩm mà nông trại RASA xuất ra, đều mang một dãy chữ số khác nhau. Chỉ cần gõ dãy chữ số đó vào Website bán hàng trực tuyến của nông trại, những thông tin về cả quá trình làm ra sản phẩm đó sẽ hiện lên trên màn hình máy tính. Và người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng, cho dù giá nó có thể cao hơn từ 30 đến 50% so với giá rau không rõ nguồn gốc được bán tại các chợ truyền thống.
Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Các công ty đã đến thuê đất ở huyện và đã đầu tư nguồn vốn vào khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt. Đây là 1 mô hình rất hiệu quả cần được các Doanh nghiệp đến để đầu tư và huyện thì rất khuyến khích ủng hộ Doanh nghiệp như thế này”.
Tuy có 6 héc-ta, nhưng mỗi ngày trang trại RASA vẫn cung cấp hơn 40 loại rau củ, quả cho hàng trăm quầy rau sạch tại các đô thị lớn phía Bắc. Chắc chắn chàng nông dân hiện đại này cùng với những người bạn của mình sẽ tiếp tục mở rộng trang trại và hoàn thiện hơn nữa phong cách bán hàng của mình trong tương lai không xa./