Lạm phát của Australia đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm
VOV.VN - Lạm phát của Australia trong 12 tháng qua lần đầu tiên đã giảm xuống mức 4,3%, mức thấp nhất trong 2 năm qua, báo hiệu sự phục hồi rõ rệt của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Theo thông báo của Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers, lạm phát hàng năm của nước này đã giảm xuống 4,3% trong tháng 11/2023, mức thấp nhất trong 2 năm qua, do áp lực giá đối với hàng tiêu dùng giảm bớt cùng với nhu cầu yếu đi. Đây được coi là một thành công đáng ghi nhận của Chính phủ Australia trong cuộc chiến chống lạm phát này.
Theo Bộ trưởng Chalmers, việc chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng giảm đáng kế có thể sẽ củng cố kỳ vọng của Ngân hàng Dự trữ quốc gia về việc không tiếp tục tăng lãi suất tiền mặt và sẽ vẫn giữ ở mức 4,35%.
Chính phủ Australia cũng đang nỗ lực sử dụng tất cả các biện pháp có thể để giúp người dân giảm áp lực chi tiêu. Trong đó có việc Bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Lao động Craig Emerson làm người đứng đầu cuộc đánh giá về Quy tắc ứng xử thực phẩm và hàng tạp hóa vào đầu tháng 12 vừa qua, nhằm buộc các hãng bán lẻ, siêu thị, cửa hàng phải điều chỉnh lại giá cả hàng tiêu dùng, không tiếp tục tăng giá.
Trước sức ép của chính phủ, các chuỗi siêu thị lớn tại Australia, đặc biệt là Coles và Woolworths, đã bị giám sát vì các báo cáo lợi nhuận lớn với nhiều lần tăng giá hàng tiêu dùng đáng kể. Người phát ngôn của tập đoàn siêu thị Coles cho rằng, chi phí của các chuỗi siêu thị cũng tăng do lạm phát, bao gồm chi phí xây dựng, giá năng lượng, hậu cần, đóng gói và các chi phí khác đều tăng.
Nhiều nhà cung cấp đang tăng giá vì họ cũng đang phải đối mặt với áp lực lạm phát để sản xuất các sản phẩm bán trong siêu thị. Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến mức giá mà khách hàng nhìn thấy khi thanh toán. Biên lợi nhuận của Coles trong năm tài chính vừa qua là 2,6% và tỷ suất lợi nhuận này vẫn ổn định kể từ năm tài chính 2020. Chính vì vậy, sức ép và các cáo buộc tăng giá của chính phủ là bất hợp lý.
Thực tế, những yếu tố đóng góp đáng kể nhất vào việc chỉ số tiêu dùng tăng cao trong năm 2023 vẫn là giá điện (+19,0%), nhà ở (+7,1%), thực phẩm và đồ uống không cồn (+6,0%), bảo hiểm và dịch vụ tài chính (+16,3%), rượu và thuốc lá (+6,4%)...
Người phát ngôn về tài chính của phe đối lập tại Australila, Nghị sỹ Angus Taylor chỉ trích các biện pháp giảm lạm phát của Chính phủ của Thủ tướng Anthony Albanese không đủ nhanh và hiệu quả, khi rất nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục tăng giá, trong đó có nhà ở, bánh mì, sữa, gas, điện...