Làm rõ những doanh nghiệp chây ỳ không giảm giá cước
Lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị làm rõ những doanh nghiệp cố tình chây ỳ giảm giá cước phù hợp với giá nhiên liệu giảm.
Trong buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 22/2 về vấn đề cước vận tải, đại diện nhiều doanh nghiệp đã trình bày các lý do gây khó cho việc điều chỉnh giá cước giảm. Nhưng chính ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã chỉ ra bất cập trong điều hành giá cước của các doanh nghiệp nằm ở cơ chế khoán cho lái xe.
Cụ thể, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM cho rằng: "Chúng tôi cũng không muốn tăng hay giảm giá vì mỗi lần điều chỉnh tốn kém rất nhiều. Hãng taxi đã khoán nhiên liệu cho tài xế, nên khi xăng tăng thì tài xế không chạy, xăng xuống thì lái xe được lợi chứ doanh nghiệp không được lợi gì ở việc này".
Ông Hỷ liệt kê chi phí kiểm định kỹ thuật là 340.000 đồng/xe/lượt, chi phí lập trình điều chỉnh giá cước là 105.000 đồng/xe/lượt nếu điều chỉnh mỗi năm một lần như hãng Vinasun mỗi năm sẽ tốn khoảng 2 tỷ đồng. Còn nếu 6 tháng/lần thì chi phí sẽ tăng gấp đôi, chưa kể các chi phí như lương tối thiểu vùng tăng, chi phí bảo hiểm tăng theo.
Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng cho rằng cơ chế quản lý giá cước vận tải hiện còn bất cập, cần phải thay đổi để giảm thời gian, tiết kiệm chi phí hơn. Cụ thể, ông Bình đề xuất: "Nếu thay đổi giá cước trong khoảng 5% - 7% thì không cần kê khai với cơ quan quản lý, trên 7% doanh nghiệp mới phải làm hồ sơ đăng ký". Việc niêm yết giá cước mới vẫn tiến hành công khai để khách hàng được biết.
Bến xe nước ngầm |
Ngay sau các phát biểu của đại diện doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội taxi, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã bức xúc cho rằng: "Cái dở nhất của các doanh nghiệp vận tải taxi là cơ chế khoán cho lái xe. Chính cơ chế đó đã khiến xăng giảm thì lái xe có lợi, còn xăng tăng thì họ đình công. Các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức quản lý chứ không thể khoán trắng cho lái xe".
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị cơ quan quản lý : "Cần làm rõ doanh nghiệp nào làm ăn tích cực, doanh nghiệp nào cố tình chây ỳ giảm giá cước. Giá thành vận tải ô tô gồm nhiều yếu tố cấu thành nên giá, không phải mỗi giá nhiên liệu. Có đơn vị quản lý tốt, có đơn vị phó thác cho lái xe".
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần thay đổi cơ chế, thủ tục báo cáo điều chỉnh giá cước cho thuận tiện hơn trước.
Trong đó có việc cài đặt đồng hồ có thể giao cho doanh nghiệp thực hiện, còn cơ quan chức năng hậu kiểm để rút ngắn thời gian điều chỉnh cước. Ông Thanh cho rằng việc kê khai như hiện nay còn nhiều thủ tục, phức tạp nên chắc chắn có độ trễ, không thể giá xăng dầu giảm là có thể giảm ngay giá cước vận tải.
Ông Thanh đề nghị: "Bộ Tài chính và Bộ GTVTG nên điều tiết việc kê khai giá cước của doanh nghiệp bằng chế tài tài chính chứ không nên bằng mệnh lệnh hành chính. Các Hiệp hội vận tải địa phương cũng cần tăng cường sự phối hợp, chứ như hiện nay nhiều khi Hiệp hội địa phương phải xin doanh nghiệp giảm giá cước".
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thống nhất rằng giá cước vận tải là theo cơ chế thị trường, dựa trên cơ chế cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Thọ đề nghị cần công khai, minh bạch các thủ tục về điều chỉnh giá cước, giảm chi phí thực hiện thì doanh nghiệp mới muốn thực hiện điều chỉnh giảm giá cước.
Tháng 1/2016, Sở Tài chính Hà Nội đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai điều chỉnh giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu. Theo đó, 26 doanh nghiệp đã kê khai giảm giá; 25 doanh nghiệp đã gửi kê khai giá nhưng chưa giảm giá với lý do: Lương tối thiểu tăng, cách tính bảo hiểm xã hội thay đổi, phí BOT và một số chi phí DN bỏ ra để trang bị trên xe. Trong số các DN đã kê khai lại giá nhưng không giảm hồi cuối tháng 1 vừa qua, có cả hai hãng taxi lớn là Mai Linh, taxi Group./. Bộ Tài chính ‘thúc’ giảm cước vận tải theo giá xăng dầu
Giá xăng xuống mức thấp kỷ lục, cước vận tải vẫn đủ lý do chây ì